Cùng dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản, đồ gỗ là 1 trong 5 mặt hàng xuất khẩu (XK) hàng đầu của nước ta. Năm 2010, giá trị kim ngạch XK sản phẩm gỗ đạt 3,4 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2009. Theo Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam, năm 2011, XK gỗ có khả năng chạm mức 4 tỉ USD. Thế nhưng, để nâng cao hơn nữa giá trị của đồ gỗ XK Việt Nam thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Giá trị gia tăng thấp
Ngành chế biến gỗ của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, nếu năm 2004, số lượng doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ là 1.200 thì đến năm 2008 đã tăng lên 2.500 DN và hiện nay đã đạt trên 3.000 DN. Mặc dù tốc độ phát triển về số lượng DN tăng nhanh nhưng sức cạnh tranh của ngành gỗ lại chậm được cải thiện. Hiện nay, ngành chế biến gỗ Việt Nam trung bình chỉ tạo ra giá trị XK dưới 10.000 USD/công nhân/năm, trong khi tại Trung Quốc là 16.000 USD/công nhân/năm, tại Malaixia là 17.500 USD/công nhân/năm, tại Đức khoảng 70.000 USD/công nhân/năm.
Sản xuất bàn ghế gỗ xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản, Ixraen của Công ty TNHH Hoàng Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN |
Theo Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam, tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam chủ yếu dựa vào số lượng XK. Tức là, lợi nhuận phát sinh không hoàn toàn từ đổi mới công nghệ trong sản xuất, mà chủ yếu là gia công và phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ khách hàng nước ngoài. Chỉ một số ít DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị, có khả năng tự sản xuất theo thiết kế và có thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Còn lại, phần lớn các cơ sở chế biến gỗ có công nghệ, thiết bị còn lạc hậu, chưa đầu tư đúng mức đối với công đoạn sấy gỗ và hoàn thiện bề mặt sản phẩm. Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định cho biết, tại khu công nghiệp Phú Tài của tỉnh Bình Định, nhiều DN chế biến gỗ vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, cách đây 16 - 20 năm. Sử dụng công nghệ lạc hậu còn dẫn tới tỷ lệ tận dụng gỗ thấp, trong khi nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá tăng nhanh, nhiều DN buộc phải thực hiện hợp đồng theo giá đã thỏa thuận để giữ uy tín và thị phần. Hơn nữa, do chưa có thương hiệu cho sản phẩm gỗ của Việt Nam nên khoảng hơn 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam phải bán qua các thị trường trung gian và còn bị động, phụ thuộc vào các kênh phân phối này.
Bấp bênh nguồn nguyên liệu
Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều triển vọng về thị trường. Hiện tại, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 120 thị trường trên thế giới, thị trường lớn và chủ yếu là Mỹ, EU và Nhật Bản. Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới ngày càng tăng. Kinh tế thế giới sẽ phục hồi cũng là điều kiện khách quan để ngành đồ gỗ Việt Nam có thể tăng XK lên mức 5 - 7 tỷ USD trong những năm tới. Tuy nhiên, khó khăn khác để gia tăng XK chính là nguồn nguyên liệu.
Các DN chế biến, XK sản phẩm gỗ của Việt Nam thường bị động về nguồn nguyên liệu. Nhiều DN rơi vào tình trạng, có nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm gỗ cho đối tác nước ngoài với số lượng lớn nhưng không dám nhận thực hiện do thiếu nguyên liệu. Hiện nay, các DN cả nước vẫn phải nhập khẩu khoảng 75 - 80% nguyên liệu, với tỷ lệ tăng giá từ 10 - 20%/năm, đặc biệt khó khăn là gỗ có chứng chỉ rất đắt và khó tìm nguồn nguyên liệu. Việc hạn chế phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu còn khó vì theo các DN, đầu tư trồng rừng tại Việt Nam không dễ. Theo tính toán, để đầu tư rừng nguyên liệu từ khi làm đất đến khi thu hoạch (khoảng 7 năm) thì DN phải đầu tư khoảng 800 - 1.000 USD/ha. Theo ông Võ Trường Thành - Tổng Giám đốc Công ty Trường Thành (Bình Dương), việc xin cấp phép trồng rừng kéo dài 2 - 3 năm khiến không ít DN tâm huyết cũng phải nản lòng. DN trong nước không dễ gì đầu tư rừng bài bản như nước ngoài do thiếu vốn.
Một trong những rào cản mới đối với xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam là những chứng chỉ phát triển rừng bền vững (như chứng chỉ FSC). Bởi hầu hết những thị trường mà các DN đồ gỗ của ta xuất khẩu như EU, Mỹ... đều đòi hỏi phải có chứng chỉ này. Chiến lược lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã xác định đến năm 2020 phấn đấu 30% diện tích rừng sản xuất (khoảng 2,6 triệu ha) có chứng chỉ rừng quốc tế. Thế nhưng hiện nay diện tích rừng có chứng chỉ của ta mới là 16.500 ha.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, những hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước đối với các ngành XK trong đó có chế biến gỗ bị cắt giảm như: Hỗ trợ tín dụng đầu tư, thưởng kim ngạch xuất khẩu, các chính sách trợ cước, trợ giá... Trong khi đó, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), yêu cầu chứng chỉ nguồn gốc nguyên liệu gỗ như Luật Lacey của Hoa Kỳ, quy định FLEGT của Liên minh châu Âu... đã gây những khó khăn không nhỏ cho các DN XK.
Viết Ý - Thu Hường (thực hiện)