Nhu cầu sử dụng muối của nước ta hiện nay khoảng từ 1,5- 1,6 triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu này là khoảng 2 triệu tấn/năm. Sản lượng muối bình quân trong những năm gần đây của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn/năm nên mỗi năm nước ta phải nhập khẩu từ 400.000 – 600.000 tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Các tỉnh phía Nam như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận rất thuận lợi cho phát triển sản xuất muối quy mô công nghiệp. Trong khi đó, miền Bắc sản xuất được những sản phẩm muối khác biệt có hàm lượng NaCl thấp, giàu khoáng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các địa phương chưa được chú trọng mở rộng diện tích đầu tư phát triển theo các chiến lược phù hợp.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng đồng muối không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng muối sản xuất ra khiến giá bán thấp không cạnh tranh được với muối nhập khẩu. Thực tế đã có nhiều diêm dân bỏ ruộng, bỏ nghề chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn nên nhiều đồng muối có nguy cơ bỏ hoang.
Mặt khác sản xuất, kinh doanh muối ở nước ta cơ bản là sản xuất muối thô, nguyên liệu; sản phẩm chưa đa dạng, giá trị gia tăng thấp. Việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo; có rất ít trong số 72 cơ sở sản xuất và chế biến muối hiện nay có vùng nguyên liệu liên kết ổn định.
Nhằm hỗ trợ diêm dân bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống, nâng cao giá trị hạt muối, đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2025” sẽ được thực hiện tại 7 tỉnh gồm: Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu. Đề án sẽ hỗ trợ 18 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ muối; 11 hợp tác xã hiện có, 2 tổ hợp tác sẽ nâng cấp thành hợp tác xã, thành lập mới 5 hợp tác xã. Tổng số hộ vùng dự án là 4.667 và 11.510 lao động.
Ông Lê Đức Thịnh cho biết, thực hiện đề án sẽ có các dự án như: Đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối; xây dựng mô hình nâng cao chất lượng sản phẩm muối; cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất muối; củng cố, phát triển sản xuất, chế biến đa dạng hóa sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm muối; xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc.
Tổng kinh phí của đề án là 981.310 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 54%; hợp tác xã và doanh nghiệp chiếm 34%...
Là tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn nhất miền Bắc với trên 600 ha, bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, sản xuất muối của tỉnh chỉ còn một số cánh đồng chính. Tỉnh Nam Định đã có đề án phát triển nghề muối trong giai đoạn tới với mục tiêu tổ chức lại sản xuất, quy hoạch cánh đồng muối gắn với chuyển giao tiến bộ. Đồng thơi, liên kết sản xuất hợp tác xã với nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực chế biến…
Với đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 – 2025, Nam Định mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo nhanh việc đầu tư hạ tầng để tỉnh triển khai đề án nhanh, hiệu quả, bà Hà Lan Anh cho hay.
Bà Trần Thị Bình, Giám đốc Công ty cổ phần muối và thương mại Nam Định mong muốn nhà nước tạo điều kiện và cơ chế để điều tiết tiêu thụ muối trong những trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo lợi nhuận cho diêm dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất muối đã có sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ... Sản phẩm muối giờ không chỉ còn để làm thực phẩm mà còn chăm sóc sắc đẹp, du lịch… Nhưng nghề muối cần có chỉ đạo quyết liệt và sự hỗ trợ để phát triển. Sau khi khảo sát, người làm muối có thể làm giàu nhưng hiện với 21.000 hộ dân làm muối đa số nghèo, hạt muối vẫn có giá trị thấp nhất trong sản phẩm nông nghiệp, giá bấp bênh.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, triển khai đề án cần đồng bộ từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với mô hình sản xuất có hiệu quả; sản xuất theo chuỗi liên kết để hạt muối ra thị trường có giá trị. Đề án sẽ là cơ sở động lực để mở rộng ra các vùng sản xuất muối khác, làm sao để 21.000 hộ dân với 51.000 lao động gắn với nghề muối có thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng trăn trở, thực hiện đề án, hạ tầng có thể đầu tư, khuyến nông có thể hỗ trợ mô hình sản xuất nhưng sau khi đầu tư nếu không có liên kết sản xuất, sản phẩm không có thương hiệu thì hạt muối sản xuất ra sẽ tiêu thụ ở đâu, diên dân có được tăng thu nhập. Để đề án phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương trong việc liên kết, phát triển thị trường tiêu thụ.