Phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học nông nghiệp ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đó là mục tiêu tổng quát của Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 429/QĐ-TTg.
Việt Nam làm chủ một số công nghệ sinh học thế hệ mới
Theo Đề án, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất; hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng thêm tối thiểu 30% so với giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp sinh học, tổ chức khoa học, công nghệ và tổ chức chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Hình thành doanh nghiệp công nghiệp sinh học quy mô công nghiệp
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ và 5 giải pháp thực hiện.
Cụ thể, Đề án sẽ triển khai các nhiệm vụ: Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng, phát triển tiềm lực công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học nông nghiệp.
Trong đó, Đề án sẽ hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học sản xuất sản phẩm nông sản ở quy mô công nghiệp gồm: Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực; phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh vật, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi... phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; chế phẩm sinh học phục vụ bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, thủy sản, thuốc thú y sinh học, KIT sử dụng cho chẩn đoán, quản lý dịch bệnh hại quan trọng đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực và kiểm soát dư lượng các chất cấm...