Tại Tp. Hồ Chí Minh, sau 10 năm triển khai xây dựng và nâng chất nông thôn mới với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng góp sức của người dân, bộ mặt các huyện ngoại thành đã thay đổi rõ nét cả về cơ sở hạ tầng, phương thức tổ chức sản xuất đến chất lượng giáo dục, y tế. Tuy vậy, để đảm bảo chất lượng nông thôn mới đạt được một cách toàn diện và bền vững, vẫn còn một số vấn đề cần được tập trung giải quyết.
Bài 1: Diện mạo mới của ngoại thành
Từ năm 2009, Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai bộ tiêu chí nông thôn mới; đồng thời phấn đấu đến năm 2020 tất cả 56/56 xã của 5 huyện, gồm Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo đặc thù của thành phố với đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập người dân nông thôn được nâng cao và bền vững. Qua 10 năm triển khai, bộ mặt vùng ngoại thành của Tp. Hồ Chí Minh đã khoác lên mình những diện mạo mới, tươi đẹp hơn.
Ấn tượng vùng ven
Ghé thăm xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) vào một ngày cuối hè, chúng tôi khá ấn tượng với cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp nơi đây. Đường làng sạch sẽ, những thùng rác được bố trí gọn gàng, ngăn nắp ven đường. Đặc biệt, dọc theo tuyến đường Cây Trôm – Mỹ Khánh, con đường hoa đầy màu sắc được người dân chăm sóc tỉ mỉ, độc đáo với những cây bông trang, hoa sam, hoa mười giờ… xanh mướt và rực rỡ. Xen kẽ với đó, hàng nghìn cây chuông vàng được trồng trên các tuyến đường giao thông nông thôn khiến Thái Mỹ lung linh, rực rỡ cả một góc trời.
Bà Lê Ngọc Sương, Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ cho biết, đó là kết quả của việc thực hiện mô hình “hàng rào xanh” ở xã. Hàng năm, cứ đến ngày sinh nhật Bác – 19/5, UBND xã tổ chức phát động người dân địa phương cùng nhau trồng cây xanh hoa kiểng, hàng rào xanh trong khuôn viên nhà và dọc các tuyến đường, khu vui chơi…
Trong 10 năm qua, người dân đã trồng và chăm sóc gần 23.000 cây xanh các loại, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp. Đến nay, tỷ lệ xanh hóa tường rào ở Thái Mỹ đạt 25% so với tổng số hộ trên địa bàn.
Không chỉ riêng vấn đề xanh – sạch – đẹp, cơ sở hạ tầng ở Thái Mỹ đã được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh. Hiện thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 58 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm chỉ còn 0,46% trên tổng số hộ dân ở xã. Nhờ vậy, Thái Mỹ là một trong 4 xã về đích sớm nhất của thành phố, đạt 19/19 tiêu chí nâng chất nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Trước đó, năm 2009, xã Tân Thông Hội thuộc huyện Củ Chi là một trong 11 xã trong cả nước được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương chọn làm mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới. Với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, chính quyền, chỉ sau 3 năm thực hiện, Tân Thông Hội trở thành xã đầu tiên của Tp. Hồ Chí Minh đạt chuẩn nông thôn mới. Quá trình nâng chất các tiêu chí của bộ tiêu chí nông thôn mới đặc thù của Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 càng giúp diện mạo của Tân Thông Hội thay đổi toàn diện.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thông Hội chia sẻ, được sự hỗ trợ của thành phố và sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân trong xã, quá trình xây dựng và nâng chất nông thôn mới Tân Thông Hội khá thuận lợi, nổi bật nhất là chất lượng cơ sở hạ tầng và thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều tuyến đường quan trọng như đường Xuyên Á, tuyến đường số 5, số 9… được đầu tư xây dựng, sửa chữa, mở rộng và nhựa hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, giao thương của người dân.
Đáng chú ý, nhiều phương án vay vốn hỗ trợ sản xuất được giải quyết đã giúp người dân dịch chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả hơn. Từ đầu chương trình đến nay, đã có 283 hộ được phê duyệt vay vốn hỗ trợ lãi vay với tổng số vốn là 197 tỷ đồng. Chính vì vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của xã đến nay đã đạt khoảng 450 triệu đồng/ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2015.
Hiện thu nhập bình quân là 60 triệu đồng/người/năm, tăng 1,62 lần so với năm 2015. Trên địa bàn xã chỉ còn 34 hộ nghèo, chiếm 0,36%, chủ yếu là người già, không có khả năng thoát nghèo. Không những vậy, các vấn đề về y tế, giáo dục, văn hóa… cũng được tập trung đầu tư với cơ sở hạ tầng được xây mới, đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho nhu cầu người dân.
Năm 2013, Trạm y tế xã Tân Thông Hội được xây dựng mới với 14 phòng chuyên môn chức năng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của gần 11.000 hộ dân trong xã. Tính đến tháng 6/2019, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của xã Tân Thông Hội đạt trên 92%. Cùng với đó, Trường tiểu học Tân Thông được xây dựng từ năm 2010 với tổng kinh phí lên đến 47 tỷ đồng, có trang bị đầy đủ phòng vi tính, phòng đọc sách, hồ bơi… giúp trẻ em ở đây được tiếp cận với nhiều dịch vụ tiện ích hiện đại trong quá trình học tập.
Nâng cao chất lượng
Từ chương trình xây dựng và nâng chất nông thôn mới bộ mặt khu vực ngoại thành ở Tp.Hồ Chí Minh đã có những thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao hơn.
Cần Giờ là huyện đảo duy nhất của Tp. Hồ Chí Minh, sau 10 năm thực hiện nông thôn mới, chất lượng đời sống người dân đã thật sự sang trang mới.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, năm 2010, thu nhập của người dân Cần Giờ bình quân chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm, chênh lệch rất nhiều so với mức trung bình của thành phố; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm lên đến 43,6% thì đến nay huyện đã không còn hộ nghèo. Còn đối với chuẩn hộ nghèo 21 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ này cũng đã giảm mạnh từ trên 50% năm 2010 xuống còn 5,76%.
Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hoàn chỉnh làm cơ sở, tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống giao thông kết nối giữa các xã với trung tâm huyện được thông suốt; hạ tầng thủy lợi, điện lưới quốc gia được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn cho phát triển sản xuất.
Đặc biệt, công trình phát triển lưới điện vượt sông đến trung tâm xã Thạnh An và ấp Thiềng Liềng giúp người dân xã đảo được sử dụng lưới điện quốc gia thay cho máy phát điện trước đây. Mặt khác, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tại huyện Hóc Môn, trước khi xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của các xã rất thấp, chỉ đạt bình quân 5 – 6 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng của huyện còn nhiều yếu kém, chỉ có một số tuyến đường trục chính được nâng cấp duy tu, trường học, trạm y tế, khu văn hóa xuống cấp. Khi đó, thu nhập bình quân các xã là 17 triệu đồng/người/năm.
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ bản các xã ở Hóc Môn đã đạt bình quân 17,3 tiêu chí. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Thu nhập bình quân hộ gia đình tại các xã nông thôn mới tính đến đầu tháng 6/2019 là 59, triệu đồng/người/năm. Tương tự, chương trình xây dựng và nâng chất nông thôn mới cũng đã tạo nên bước đột phá trong việc nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống của người dân huyện Bình Chánh. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tính đến giữa năm 2019 đã đạt gần 67,34 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015 và 3,9 lần so với lúc khởi điểm xây dựng đề án nông thôn mới năm 2010 (17,39 triệu đồng/người/năm).
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nguồn thu của người dân các huyện ngoại thành Tp. Hồ Chí Minh nhiều năm qua chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Để cải thiện thu nhập cho người dân, trong các năm qua, cùng với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung, thành phố đã không ngừng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
Đây là mục tiêu hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững, có hàm lượng chất xám cao, công nghệ hiện đại, được đầu tư toàn diện và đồng bộ, mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Qua đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trung bình gần 12% mỗi năm và đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Trần Ngọc Hổ, thời gian tới thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Bài 2: Lấy sức dân lo cho dân