Nâng chất nông thôn mới - Bài 2: Lấy sức dân lo cho dân

Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới do Tp. Hồ Chí Minh phát động trong thời gian qua đã thu hút sự hưởng ứng tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, với quan điểm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm cho đến những thiết chế văn hóa đã được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới và thiết kế phù hợp với đời sống người dân nông thôn trong thời kỳ mới. 

Chú thích ảnh
Tuyến đường nông thôn mới khang trang, sạch đẹp của xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi , TP Hồ Chí Minh. Ảnh: dantocmiennui.vn

Những con số biết nói

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, thành phố đã đầu tư 9.300 công trình cho các huyện trong chương trình nông thôn mới, với tổng số vốn đến 2020 trên 16.000 tỷ đồng.

Đó là nguồn lực ngân sách đầu tư phần lõi chương trình, nhất là hạ tầng, đường xá nông thôn, hỗ trợ cho hợp tác xã… Mục tiêu là vừa thu hút đầu tư từ nguồn lực tư nhân, vừa là hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, 10 năm qua, nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn của thành phố là rất lớn. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước đầu tư chỉ chiếm khoảng 16%, còn lại là sự chung sức của chính người dân, doanh nghiệp để thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 64.000 tỷ đồng.

Theo ông Trần Ngọc Hổ, thành phố đã đầu tư rất lớn cho hệ thống hạ tầng, dân sinh, làm thay đổi bộ mặt của nông thôn thành phố và thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp của người dân nông thôn ngày càng hiệu quả, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào cây trồng. Kết quả 1 ha đất sản xuất nông nghiệp ở thành phố trung bình mang lại giá trị hơn 500 triệu đồng/năm. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

Với mục tiêu khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị Thành phố theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng nông thôn mới, thành phố đã ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay).

Kết quả từ năm 2011 đến tháng 6/2019, Thành phố đã phê duyệt cho 24.161 lượt tổ chức, hộ dân, cá nhân được hỗ trợ lãi vay, với tổng vốn đầu tư trên 12.903 tỷ triệu đồng. Kết quả thực hiện cho thấy, 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay sẽ huy động được 19 đồng vốn xã hội. Cụ thể thành phố đã hỗ trợ 6 tỷ đồng và huy động được 12.903 tỷ đồng từ  từ tổ chức tín dụng và  người dân.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất đã góp phần phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có giá trị kinh tế cao như: rau sạch - doanh thu bình quân đạt 1tỷ đồng/ha/năm (cá biệt, trồng rau xà lách thủy canh - doanh thu đạt 8 tỷ đồng/ha/năm); trồng hoa lan cho doanh thu bình quân đạt từ 1,5 tỷ - 2 tỷ đồng/ha/năm; cá cảnh nuôi trong ao  doanh thu bình quân đạt 2 - 3 tỷ đồng/ha/năm.

Từ nguồn vốn huy động được, thành phố cũng đầu tư vào hạ tầng nông thôn và nhiều chương trình an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân.

Cụ thể, từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay, Tp. Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 9.300 công trình; trong đó, có 1.923 công trình giao thông, 445 công trình thủy lợi, 549 công trình điện, 190 trường học.

Ngoài ra, Thành phố cũng đầu tư 5.477 công trình nhà ở, hỗ trợ xóa 3.646 căn nhà tạm, dột nát; vận động người dân tự xóa được 1.831 căn nhà tạm. Từ đó thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, tạo diều kiện thuận lợi cho kết nối giao thương, phát triển sản xuất và hỗ trợ người dân vùng ven an cư lạc nghiệp.

Đáng lưu ý, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới do thành phố phát động trong thời gian qua đã thu hút sự tích cực tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là sự chung sức của chính người dân vùng nông thôn.

Qua phong trào cũng đã huy động được 21.904 hộ dân hiến đất làm đường, với diện tích 267,5 ha, ước kinh phí 2.399 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy, sự đồng thuận của người dân là một trong những yếu tố quan trọng giúp chương trình nông thôn mới ở Tp. Hồ Chí Minh đạt kết quả như hôm nay.

Phát huy vai trò chủ thể

Chú thích ảnh
Trang trại bò sữa của ông Nguyễn Văn Đực ở ấp Hậu (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) hiện có gần 20 con bò, mỗi ngày thu hoạch từ 50-60kg sữa, mang lại nguồn thu từ 15-20 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: dantocmiennui.vn

Mục tiêu lớn nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn nên người dân chính là chủ thể chính, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện  và thụ hưởng các kết quả đạt được.

Ông Đoàn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Người dân nông thôn, nhất là nông dân rất vui mừng, đồng tình, hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới và phát huy được vai trò chủ thể trong việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đã có gần 22.000 hộ nông dân tham gia hiến đất để làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng khác.

Thời gian qua, thành phố cũng đã huy động nguồn lực của xã hội xây dựng và sửa chữa hơn 10.000 căn nhà tình thương, xóa nhà tạm nhà dột nát. Nhờ có chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước về vốn ưu đãi, về khuyến nông, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, đầu tư hạ tầng phục vụ cho sản xuất nên đời sống nhân dân ở nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Chỉ riêng tại ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, Ban phát triển nông thôn mới của ấp đã vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới trên nhiều lĩnh vực.

Đơn cử như vận động nhân dân hiến đất làm 4 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng diện tích gần 2.000 m2, trị giá trên 3,3 tỷ đồng; người dân cũng tham gia hiến đất và góp sức bê tông hóa kênh tưới, nhiều tuyến hẻm với giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Đồng thời, vận động đóng góp xây dựng văn phòng ấp khang trang; tu sửa bia tưởng niệm ghi danh tưởng nhớ Mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sỹ trên địa bàn…

Để làm được những điều này, ông Ngô Văn Huệ, Trưởng ban nhân dân ấp Thượng cho biết, nhờ tuyên truyền, vận động người dân của ấp ngày càng đổi mới và có chiều sâu nên được bà con hiểu rõ và đồng thuận cao trong việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đó là việc cán bộ phải gương mẫu cùng tham gia trong từng hoạt động ở địa phương, phân tích rõ những lợi ích khi người dân cùng chung tay hiến đất, bê tông hóa các tuyến đường…

Từ kinh nghiệm thực tế của địa phương, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh chia sẻ, cần thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về phương châm “huy động lực lượng tại chỗ là chính, lấy sức dân lo cho cuộc sống cho dân” thông qua các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, các cuộc vận động tương thân tương ái… Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần thông qua chương trình đầu tư theo quy hoạch.

Trong quá trình huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phải luôn dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân. Các điển hình như nông dân hiến đất làm đường, điển hình trong sản xuất… là những tấm gương tiêu biểu được biểu dương để phát huy nhân rộng. Đồng thời, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới ở địa phương, chủ động phát huy vai trò giám sát cộng đồng...

Bài cuối: Khắc phục những điểm nghẽn

Hứa Chung - Xuân Anh
Gần 365.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới tại Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên
Gần 365.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới tại Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên

Ngày 7/9, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Ban chỉ đạo Quốc gia Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN