Hội nghị được phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội Thị trường Tài chính và Chứng khoán Châu Á (ASIFMA) với sự hỗ trợ của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm bàn thảo những giải pháp, hướng tới nâng hạng cho TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Thông qua Hội nghị tại Hồng Kông (Trung Quốc), các nhà đầu tư đã đánh giá cao và thực sự mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại TTCK Việt Nam. Các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm và đặt ra đối với Việt Nam đó là cần tiếp tục thúc đẩy một thị trường vốn minh bạch, lành mạnh và tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Tổ chức xếp hạng và định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng để nâng hạng TTCK. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT).
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết : Nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời cũng đã được đưa vào trong Dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Lãnh đạo UBCKNN khẳng định: Thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam. Theo đó, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như: tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường minh bạch hơn…
“Bên cạnh việc phát triển về quy mô, thanh khoản, TTCK Việt Nam ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, trong đó, riêng nhóm VN30 đã có 100% doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới hỗ trợ cho nâng hạng cũng đã được quy định rõ ràng hơn trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư 96/2020/TT-BTC. Sắp tới, UBCKNN sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo TTCK tăng tính minh bạch, công khai, bền vững, hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng”, đại diện UBCKNN cho biết.
Những nỗ lực về cả sửa đổi pháp lý cũng như các giải pháp thực tiễn của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các thị trường vốn của Việt Nam.
Ông Lyndon Chao - đại diện Hiệp hội các Thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA) cho biết: Việt Nam đã và đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng.
Theo Viện Nghiên cứu McKinsey, gần 70% người tiêu dùng Việt Nam có cái nhìn lạc quan về tương lai. Các nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục tăng cường đầu tư vào châu Á và Việt Nam là điểm đến đầu tư nổi bật trong tương lai ở châu Á, khi nỗ lực cải cách thị trường của cơ quan quản lý sẽ giúp các nhà quản lý quỹ toàn cầu tiếp cận Việt Nam dễ dàng hơn.
Trước đó, phía World Bank dự kiến khoảng 7,2 tỷ USD một năm sẽ đổ vào Việt Nam nếu được nâng hạng thị trường. Một lợi ích nữa là khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, ảnh hưởng tích cực công tác cổ phần hóa thoái vốn Nhà nước. Nâng cấp thị trường nới nổi cũng dẫn tới nhà đầu tư đa dạng hơn, Việt Nam hiện nay phải cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, khi có đến 90% là nhà đầu tư cá nhân.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần cải thiện, cần phối hợp các bên có liên quan tiến đến đạt kế hoạch nâng hạng: Thứ nhất, về yêu cầu ký quỹ, cần hỗ trợ phối hợp từ NHNN. Việt Nam có quy định đảm bảo đủ tiền trước khi giao dịch, trong khi đó yêu cầu của tổ chức xếp hạng là không yêu cầu ký quỹ, phương án tháo gỡ theo chúng tôi là phải triển khai đối tác bù trừ trung tâm cho thị trường cơ sở, giảm ký quỹ, tiến đến giảm tối đa về còn 10% ký quỹ. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng lưu ký nước ngoài cũng e ngại khi không được là thành viên thanh toán bù trừ trực tiếp mà phải qua ngân hàng trong nước, nếu họ được thanh toán bù trừ trực tiếp thì tháo gỡ vướng mắc liên quan giao dịch ký quỹ.
Thứ hai, giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. UBCKNN đề xuất trước mắt có thể làm là các bộ ngành theo hướng rà soát hạn chế nhà đầu tư nước ngoài chỉ áp dụng với lĩnh vực cần thiết như quốc phòng an ninh bảo hộ thương mại.
“Liên quan đến nâng cao minh bạch, chất lượng hàng hóa cho thị trường, cũng có ý kiến cho rằng cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, thu hẹp riêng lẻ, tôi không hoàn toàn đồng tình. Vì việc phát ra công chúng phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành ra công chúng, ra soát văn bản quy phạm pháp luật nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát hành ra công chúng nên họ mới không nộp ra công chúng. Chưa kể, Ủy ban cũng phải tăng cường giảm sát, hậu kiểm để làm thế nào khi hàng hóa đưa vào thị trường đảm bảo chất lượng trên thị trường đảm bảo công khai minh bạch”, Chủ tịch UBCKNN cho biết.