Sau khi ra trường, cả 4 anh em đều có công ăn việc làm và đã hoàn trả gần hết số tiền vay vốn để đi học trước đó.
Hoạt động tín dụng học sinh, sinh viên được triển khai rộng rãi từ năm 2007 với Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Chính sách Xã hội là cơ quan đại diện Chính phủ thực hiện chính sách này. Đây là một chủ trương, chính sách đúng đắn được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt là những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngân hàng Chính sách Xã hội căn cứ vào mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu của người vay để quyết định mức cho vay cụ thể, tối đa mỗi trường hợp được vay không quá 1,5 triệu đồng/tháng. Chương trình cho vay này góp phần đảm bảo giấc mơ được đi học đại học của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Anh Hồ Ngọc Tin chia sẻ: “Thật may mắn khi cả 4 anh em cùng được hưởng vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, qua đó góp thêm phần phụ giúp gia đình cho các con đi học đến nơi đến chốn”.
Ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, gia đình bà Yaga sinh năm 1962 và ông KĐốt sinh năm 1955, người dân tộc K’Ho sinh được 6 cô con gái và tất cả đều thành danh với hành trang chính là con chữ do bố mẹ tần tảo làm việc và từ sự sẻ chia nhân văn của chương trình tín dụng chính sách dành cho học sinh, sinh viên.
Cô con gái lớn Ma Va Liên sinh năm 1983 giờ là bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng Nai và cô con gái thứ ba là Ma Ri Na tốt nghiệp Đại học Y Tây Nguyên đang làm ở Bệnh viện Hoàn Mỹ. Các cô con gái khác là Ma Va Lia, Ma Va Ria tốt nghiệp ngành sư phạm. Hai cô con gái nhỏ của ông bà là Ma Ri Diễm học Đại học Đà Lạt và Ma Ri Hạnh đang học Học viện mật mã Tp. Hồ Chí Minh.
Bà Yaga xúc động cho biết, nhờ có vốn chính sách dành cho học sinh, sinh viên, gia đình vơi bớt gánh nặng cho con ăn học. Bản thân các con bà cũng ý thức được ý nghĩa của khoản tiền này, nên sau khi học xong vừa lo thu xếp công việc nuôi mình, giúp bố mẹ nuôi em, vừa lo trả nợ ngân hàng đúng thời hạn. Đến nay, cơ bản nợ nần đã thu xếp xong, gia đình bà Yaga đều thấy phấn khởi, các con bà đều nhận thấy lựa chọn đi học là đúng đắn.
Trên thực tế, thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội, nguồn vốn của Nhà nước đã và đang được chuyển đến các hộ có hoàn cảnh khó khăn có con theo học tại các trường đại học, cao đẳng, học nghề. Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, năm 2018 đã có hơn 51 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Kể từ khi chương trình được triển khai đến nay đã có hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng.
Theo bà Lô Thị Ngân, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An, vốn chính sách thực sự có ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh, sinh viên nghèo dân tộc miền núi. Qua giám sát của hội đồng nhân dân cho thấy, nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên đi học các trường đại học, cao đẳng.
Những kết quả trên cho thấy hiệu quả xã hội và tính nhân văn sâu sắc của chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng khoản vay này không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên khi các chi phí cho học tập ngày một tăng.
Chị Lê Thị Diễm, Tổ trưởng tiết kiệm và vay vốn xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Với mức cho vay 1,5 triệu đồng/tháng/sinh viên chỉ đủ trang trải một phần chi phí học tập. Bởi trong điều kiện giá cả sinh hoạt cao như hiện nay, chi phí thực tế các em phải chi trả cao hơn gấp mấy lần khoản tiền được vay. Do đó, gia đình nào có 2, 3 con trở lên cùng đi học vẫn bị áp lực. Đa phần các hộ gia đình đều mong Nhà nước nâng mức cho vay để phù hợp với chi phí thực tế.
Còn ông KBRóp và nhiều hộ khác ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng mong Nhà nước mở rộng đối tượng cho vay đối với học sinh, sinh viên là hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã thuộc vùng khó khăn, bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ 2 học sinh, sinh viên trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn theo quy định hiện nay, với mức cho vay bằng mức cho vay theo quy định chung đối với tín dụng học sinh, sinh viên.
“Chúng tôi có thể chấp nhận mức lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà con em chúng tôi hiện đang được hưởng để đỡ gánh nặng của ngân sách Nhà nước, nhưng mong có cơ chế “mở” hơn để chương trình tác động nhiều hơn đến cuộc sống người dân”, ông KBRóp nói.
Bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, theo ý kiến, kiến nghị của hộ vay, các đoàn công tác, cử tri các địa phương, đại biểu Quốc hội đều đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng mức cho vay để phù hợp với lộ trình tăng học phí và biến động của giá cả trên thị trường. Do đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã báo cáo với Bộ Tài chính (tại công văn số 4095/NHCS-TDSV), xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng mức vay từ 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên lên 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Đến nay, Bộ Tài chính đang xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ.