Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 20.000 ha điều, tăng gấp đôi so với 10 năm trước và tăng hơn 7.400 ha so với năm 2015. Các địa phương như Ia Grai, Đức Cơ, Krông Pa, Kông Chro… là những vùng trồng điều tập trung; trong đó, Ia Grai là địa phương có diện tích điều lớn nhất với khoảng 6.000 ha.
Xã Ia Khai là vùng trồng điều tập trung của huyện Ia Grai với khoảng 1.000 ha, cùng với cao su thì đây là 1 trong hai loại cây trồng chủ lực chính, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân trên địa bàn xã. Những năm qua, cây điều được mùa, được giá đã giúp đời sống kinh tế của các hộ dân trên địa bàn nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, năm nay dự báo sẽ là một năm khó khăn về thu nhập cho bà con.
Bà Nguyễn Mai Lương, Chủ tịch UBND xã Ia Khai, huyện Ia Grai cho hay, năm nay mùa điều được đánh giá thu nhập kém hơn năm ngoái. Cả năng suất, sản lượng và giá cả. Nguyên nhân là ảnh hưởng thời tiết, gần tết mưa kéo dài, ngoài ra, nhiều diện tích điều già cỗi chưa tái canh được khiến sản lượng giảm sút qua từng năm.
Bà Lương cũng nhận định, vụ điều năm nay chỉ đạt khoảng 1,2 tấn/ha, giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Cùng với việc mất mùa, tình hình giá cả hiện cũng giảm, đầu mùa, giá điều chỉ dao động khoảng 26-27 nghìn đồng/kg, thấp hơn so với năm 2022. Bà con trồng điều đang khá lo lắng vì thu nhập có thể sẽ giảm sút nhiều trong năm nay.
Chúng tôi đến vườn điều của gia đình chị Siu Loen, làng Jăng Blo, xã Ia Khai gần đến thời điểm thu hoạch, nhưng cây điều chỉ lác đác quả. Đây cũng là tình trạng chung của các vườn điều lân cận. Chị Siu Loen lo lắng, năm nay mưa trái mùa nhiều, khiến hoa điều nở nhưng không đậu quả. Tình hình này thì vụ điều năm nay không đạt năng suất như năm ngoái.
Ưu điểm của cây điều là ít phải chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, yêu cầu về kỹ thuật không cao nên người dân vùng nắng nóng, vùng dân tộc thiểu số ưa trồng. Tuy nhiên, cây trồng này cũng có nhược điểm là nếu gặp thời tiết bất lợi ngay thời điểm cây đang ra hoa thì khả năng đậu quả sẽ giảm đáng kể, nguy cơ mất mùa là rất lớn.
Ngoài ra, việc chưa hình thành được các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khiến giá thành bán ra của điều cũng khá bấp bênh.
Theo ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, phòng đã khuyến cáo bà con ở các xã có diện tích điều lớn thực hiện thâm canh, tăng năng suất. Chủ trương của huyện là giữ nguyên diện tích hiện có, không mở rộng thêm.
Đối với những diện tích điều đã già cỗi, ngành nông nghiệp vận động bà con tái canh, đưa giống điều năng suất cao vào sản xuất, đồng thời tuyên truyền, vận động, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp nâng cao năng suất và chất lượng của cây điều.