Sửa đổi Nghị định 58:

Nên xử lý dứt điểm nới 'room' và làm rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài góp vốn

Chiều ngày 20/3, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP. Trong dự thảo này, Nghị định đề cập hai vấn đề trọng yếu là nới “room” và buộc doanh nghiệp (DN) phải lên sàn sau khi IPO.

Hội thảo góp ý Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP.


Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBCKNN thì Nghị định 58 đã đạt được những kết quả nhất định sau 2 năm triển khai. Cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động huy động vốn của các DN trên sàn chứng khoán và cơ sở pháp lý cho hoạt động của các loại hình quỹ đầu tư; bảo vệ các cổ đông nhỏ… Ngoài ra, với việc nâng cao điều kiện niêm yết, thị trường đã thu hút được những DN có chất lượng niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK).


Thống kê của UBCKNN cho thấy, đến nay mức vốn hóa đạt được là 1.128 tỷ đồng (tăng 179 nghìn tỷ đồng); vốn hóa/GDP đạt 31,5%. Giá trị niêm yết tăng 19% và trái phiếu tăng 25%; giá trị giao dịch bình quân/phiên đạt 5.500 tỷ đồng. Vốn huy động qua TTCK ước đạt 237 nghìn tỷ đồng. Song song đó, công tác tái cấu trúc của các tổ chức kinh doanh chứng khoán được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.


Tuy nhiên, Nghị định 58 vẫn bộc lộ một số hạn chế do còn thiếu những quy định hướng dẫn, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhất là trong thời điểm Việt Nam cam kết mở cửa thị trường theo thông lệ quốc tế. “Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị Định 58 là việc làm cần thiết để TTCK phát triển bền vững. Có như thế, TTCK mới phát huy được sức mạnh, giúp huy động vốn hiệu quả trên sàn chứng khoán …”, ông Nguyễn Thành Long chia sẻ.


Tại hội thảo, nhiều đơn vị, công ty chứng khoán đã đưa ra những tham luận cần phải sửa đổi, bổ sung. Trong đó, việc xử lý dứt điểm về việc nới room và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (NN) tham gia đầu tư là bao nhiêu. Ông Nguyễn Băng Tâm – Phó Chủ tịch CLB các công ty niêm yết cho biết: “Việc nới room cho NĐT NN là cần thiết và cần phải sớm đưa vào Nghị định bổ sung. Bởi trong tình hình kinh tế hội nhập hiện nay, cơ hội thu hút dòng tiền của các NĐT NN là rất lớn, theo đó sẽ tạo cho TTCK thêm sôi động và tính thanh khoản sẽ cao hơn”. Ngoài ra, theo ông Tâm, thị trường cũng cần phải xây dựng chuẩn mực quản trị DN, nhất là những DN nhà nước đã cổ phần hóa (CPH), DN lên sàn sau khi CPH.


Bà Cao Huyền Trang, Trưởng phòng Pháp Chế, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities) cũng đề nghị cần làm rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tham gia góp vốn, mua chứng khoán được nắm giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần của một công ty đại chúng. Hiện tại, Quyết định 55/2009/QĐ-TTG quy định tỷ lệ sở hữu của NĐT NN trên thị trường chứng khoán chỉ được nắm giữu 49% tổng số cổ phần lưu hành của công ty đại chúng. Trong khi đó, Luật DN và Luật đầu tư 2014 quy định một công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi sở hữu trên 51% vốn điều lệ của công ty đại chúng. Tại điều 1.2 của Dự thảo cũng quy định công ty có vốn đầu tư NN khi các NĐT này nắm giữ 51% vốn điều lệ của công ty đại chúng (trừ các quy định của luật chuyên ngành). “Từ những quy định trên, chúng tôi có thể hiểu NĐT NN được nắm giữ 51% cổ phần. Tuy nhiên, đến Điều 1.3.2 của Dự thảo chỉ quy định tỷ lệ sở hữu NN theo pháp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế, chúng tôi chưa rõ tỷ lệ sở hữu này được hiểu là bao nhiêu?”, bà Trang thắc mắc.


Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BSC cũng cho rằng, nếu vấn đề về room cho DN đại chúng được xử lý dứt điểm tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 thì triển vọng thu hút các dòng vốn mới vào TTCK là tích cực. Nhất là, với diễn biến tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, mặt bằng lãi suất liên tục giảm, tỷ giá hối đoái được giữ vững trong những năm qua, chính sách điều hành của Chính phủ nhất quán và thông suốt, nhiều cơ hội của nền kinh tế được mở ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài sẽ đổ mạnh vào TTCK. “Riêng đối với các CTCK, khi Nghị định có hiệu lực, hệ thống CTCK sẽ có những bước tái cấu trúc mạnh mẽ, gia tăng năng lực cạnh tranh trong vòng 3 - 5 năm tới”, ông Long dự báo.


Bài, ảnh: Hải Yên

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN