Một tháng đã trôi qua kể từ ngày 1/8, khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chính thức áp đặt Lệnh trừng phạt mở rộng chống lại Nga. Quãng thời gian này tuy chưa nhiều, song cũng đủ để các bên nếm trải những trái đắng.
Có thể thấy rõ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đang phải đối mặt với những tổn thất lớn về kinh tế. Tuy lệnh trừng phạt nhằm chống lại Nga, song trên thực tế, không chỉ Nga là quốc gia duy nhất chịu thiệt hại.
Khách hàng chọn mua pho mát tại một cửa hàng thực phẩm ở Saint Petersburg ngày 7/8. Ảnh: AFP-TTXVN |
Quả thật, việc Nga, Mỹ và EU leo thang trả đũa kinh tế lẫn nhau đang khiến cho gánh nặng thiệt hại trước tiên đổ lên đầu người dân khu vực. Nếu như ngày 1/8, phương Tây và Mỹ cùng đồng thuận mở rộng lệnh trừng phạt chống Nga, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc cùng đưa tất cả các bên lên một nấc thang mới căng thẳng hơn trong "cuộc chơi" thực chất là nhằm sắp đặt lại "trật tự thế giới mới". Và chỉ sau đó đúng 1 tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã chỉ thị Thủ tướng nước này Dmitry Medvedev thực thi Sắc lệnh của Tổng thống về việc áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đối với phương Tây.
Nếu như gói biện pháp trừng phạt mở rộng của EU và Mỹ chống Nga bao gồm đóng băng mọi hợp đồng mua bán vũ khí; hạn chế các tổ chức tài chính Nga tiếp cận thị trường vốn EU; cấm vận kinh doanh các giải pháp công nghệ cao được sử dụng trong ngành công nghiệp dầu khí; cấm nhập cảnh vào EU và Mỹ một số cá nhân thân cận Tổng thống Putin; đình chỉ tài chính hai ngân hàng Sberbank và VTBank, thì ngay lập tức sau đó Nga cũng đã quyết định cấm nhập khẩu thịt, cá, rau quả và sữa từ châu Âu, Mỹ, Canada, Australia và Na Uy trong thời hạn 1 năm. Lệnh trừng phạt trả đũa này "có thể được xem xét lại trong trường hợp các đối tác trên có thái độ hợp tác xây dựng". Trong danh sách cấm nhập khẩu vào Nga chỉ loại trừ các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em, rượu cồn và thuốc lá. Ngoài ra, Nga sẽ đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay quá cảnh Ukraine...
Bắt đầu từ việc tranh giành ảnh hưởng, cũng như khẳng định vị thế trên trường quốc tế, dường như lúc này Nga, EU và Mỹ đã không thể dừng lại trong "cuộc chiến" trên mọi phương diện, từ chính trị, quân sự cho tới lĩnh vực kinh tế như hiện nay.
Một tháng đã trôi qua, cộng đồng phương Tây có lẽ cũng đã bắt đầu chia rẽ về hậu quả thiệt hơn khi đồng thuận cùng Mỹ trừng phạt Moskva, song khi mà "cuộc chơi" mới chỉ bắt đầu, các bên đã dần nhận ra tình hình hiện nay hết sức nghiêm trọng. Đây không còn là một cuộc đấu tranh chỉ liên quan tới Nga, Mỹ hay phương Tây, mà nó là một trận chiến vì quyền lợi của tất cả các bên. Và có một điều chắc chắn, thiệt hại mà phương Tây và Nga buộc lòng phải chấp nhận sẽ không chỉ dừng lại ở con số 90 tỷ euro mỗi bên, như tính toán sơ bộ của các chuyên gia. Phương Tây dường như cũng đang dần nhận ra, chính họ, chứ không phải là Mỹ, vốn có mối quan hệ kinh tế thương mại truyền thống và mật thiết với Nga, sẽ là những người trước tiên chịu thiệt. Lúc này đây, họ đang buộc lòng vừa phải tiếp tục cuộc chơi, vừa tự "động viên" mình, rằng: Nga sẽ cạn tiền từ nay đến năm 2018 nếu tiếp tục đọ sức với phương Tây; và rằng Nga sẽ không dám ngưng cung cấp khí đốt và dầu khí cho phương Tây bởi hơn ai hết, Nga quá cần nguồn thu nhập này.
Không bàn cụ thể tới những con số thiệt hại, song có một điều chắc chắn rằng cuộc chiến thương mại Nga - EU là một thất bại cả về chính trị và kinh tế của chính hai đối tác quan trọng trên thế giới này. Các nhà sản xuất châu Âu đã chuốc lấy thiệt hại lớn bởi rõ ràng thị trường Nga là một trong những thị trường quan trọng của hàng hóa châu Âu. Ngược lại, khi Nga áp đặt trừng phạt trả đũa, thì chỉ trong một thời gian ngắn, người tiêu dùng Nga cũng đã buộc phải chịu mất những hàng hóa tốt nhất, vốn đã trở thành các sản phẩm ưa thích của họ. Có thể giả định rằng trong thế giới kết nối với nhau chặt chẽ như ngày nay, các nhà cung cấp châu Âu có thể tìm thấy các thị trường mới, đương nhiên họ rất có thể phải chấp nhận mức giá thấp hơn so với thị trường quen thuộc Nga. Cũng như người tiêu dùng Nga sẽ phải chấp nhận dùng những sản phẩm kém chất lượng hơn với mức giá cao hơn. Người chiến thắng trong cuộc chiến này có thể trong thời gian ngắn hạn là người tiêu dùng châu Âu,- những người sẽ được hưởng mức giá thấp hơn. Nhưng về lâu dài, khi hàng hóa ở châu Âu trở nên dư thừa, dẫn đến đình trệ sản xuất, và nhiều vấn đề kinh tế, xã hội kéo theo. Lúc đó, người ta sẽ phải suy nghĩ về những biện pháp trừng phạt và đáp trả lẫn nhau lúc này.
Và cũng như tại Nga, khi mà trong các cửa hàng vẫn còn tương đối nhiều hàng hóa, người dân vẫn sẽ ủng hộ Tổng thống của họ với tỷ lệ cứ mỗi 5 người thì có 1 người Nga tin vào việc "trả đũa" Phương Tây và Mỹ là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng rồi sẽ đến lúc, người ta phải nhận ra rằng trên các kệ hàng đang dần vắng bóng hàng hóa, đó chắc chắn không chỉ là lỗi của người sản xuất, thì liệu họ có còn ủng hộ các biện pháp trả đũa cấm vận?!
Rõ ràng, trong cuộc chiến này, nếu một người mẻ trán, người kia chắc chắn cũng sẽ sứt đầu.
Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)