Tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, một trong những địa phương có tổng đàn gia cầm lớn với hơn 705.000 con, trong tháng 4 đã xuất hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Yên Đồng. Ổ dịch đầu tiên phát sinh ngày 18/4 tại hộ gia đình ông Phạm Xuân Thuận, thôn Giải Cờ với khoảng 2.000/5000 con gà bị ốm, chết. Sau đó 2 ngày, tại thôn Giải Cờ, dịch cúm gia cầm lại xuất hiện trên 300 con gà, ngan của hộ gia đình ông Đào Xuân Khanh. Ngày 21/4, tại thôn Khê Trung, xã Yên Đồng xuất hiện ổ dịch H5N6 trên 200 con gia cầm.
Ngoài ra, gần đây nhất vào ngày 5/5, tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan xuất hiện ổ dịch tại nhà ông Bùi Trung Dũng có tổng đàn 2.400 con gà. Từ ngày 28/4, đàn gà hơn 2 tháng tuổi của gia đình ông Dũng có biểu hiện ốm có triệu chứng của bệnh cúm gia cầm. Đến ngày 5/5 có hiện tượng gà chết nhiều. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và kết quả cho dương tính với cúm gia cầm H5N6.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình tập trung điều tra, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc. Theo đó, ngành đã cấp 100 lít hóa chất và 12 tấn vôi bột cho xã Yên Đồng, huyện Yên Mô; 20 lít hóa chất và 5 tạ vôi bột cho xã Phú Sơn, huyện Nho Quan để các địa phương này vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chuồng nuôi của các hộ; cấp 190.000 liều vắc xin cúm gia cầm cho 2 huyện để tổ chức tiêm phòng bổ sung và bao vây ổ dịch cho các đàn gia cầm. Đến nay, các ổ dịch đã được khống chế, xử lý và không để phát sinh, lây lan.
Ông Hoàng Hùng Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình cho biết, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút cúm type A (H5N6) gây ra, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài như: gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong.
Hiện tỉnh Ninh Bình có trên 4,2 triệu con gia cầm. Nhằm chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, Chi cục đã đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng cho đàn gia cầm. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng vụ Xuân Hè cho gia cầm tại tỉnh đã đạt gần 90%. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục duy trì đội kiểm tra lưu động, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh.
Bên cạnh việc tổ chức cho các hộ nuôi gia cầm ký cam kết trong chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng, chống dịch, ngăn chặn nguy cơ lây truyền mầm bệnh từ động vật sang người, không bán chạy, không sử dụng gia cầm ốm chết; không vứt xác gia cầm bừa bãi; gia cầm chết; tiến hành thu gom xác gia cầm để đem đi tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; khuyến khích người dân thực hiện những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhất là việc vệ sinh tốt chuồng trại, nơi chăn thả gia cầm tập trung; mua con giống tại những cơ sở có uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thời gian tới, để phòng chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Ninh Bình sớm phê duyệt kinh phí phòng chống dịch bệnh hàng năm vì trình tự, thủ tục đấu thầu mua vắc xin kéo dài, diễn biến thời tiết, dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Nếu tiêm phòng không đúng thời điểm, gia súc, gia cầm sẽ không kịp hình thành kháng thể miễn dịch để phòng chống dịch bệnh ở những thời điểm giao mùa. Đối với UBND các huyện thành phố nên quan tâm, chỉ đạo, bố trí đủ số lượng cán bộ thú y cấp cơ sở và đảm bảo đúng chuyên môn vì đây là lực lượng rất quan trọng trong việc phát hiện, báo cáo, xử lý ổ dịch ban đầu; đồng thời khi cần thiết có chính sách hỗ trợ, huy động thu hút người đang hành nghề thú y tự do tham gia công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh.