Đồng thời, ngành cũng rà soát và cấp bổ sung 20.000 liều vắc xin cúm gia cầm để triển khai tiêm phòng bổ sung và bao vây cho đàn gia cầm xung quanh ổ dịch tại huyện Nho Quan. Đến nay, ổ dịch đã được khống chế, xử lý và không để phát sinh, lây lan.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và nguy cơ lây sang người, UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh cúm gia cầm, nhất là tại các vùng có nguy cơ cao như: chợ, các điểm tập kết, buôn bán gia cầm, các đầu mối giao thông cơ lưu lượng gia cầm vận chuyển nhiều, các vùng có mật độ chăn nuôi gia cầm cao, các nơi có ổ dịch cúm gia cầm cũ...
Các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng quản lý hoạt động giết mổ động vật, các hoạt động kinh doanh, mua bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp con giống gia cầm để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thành việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh trong tháng 2/2020.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục duy trì đội kiểm tra lưu động, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh. Bên cạnh việc tổ chức cho các hộ nuôi gia cầm ký cam kết trong chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng, chống dịch, ngăn chặn nguy cơ lây truyền mầm bệnh từ động vật sang người.
Đặc biệt, vận động người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; không bán chạy, không sử dụng gia cầm ốm chết; nuôi nhốt gia cầm, không thả rông, không vứt xác gia cầm bừa bãi; gia cầm chết tiến hành thu gom xác để đem đi tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…
Từ đầu tháng 2 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã tiến hành cấp ứng trên 550.000 liều vắc xin cúm gia cầm cho các huyện, thành phố Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư, Tam Điệp để các địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm tại các khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn.
Trước đó, ngày 16/2, đàn vịt 2.300 con của gia đình ông Trương Văn Tuấn ở xóm 4, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan có hiện tượng ốm, chết. Ngay sau khi có kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm gia cầm H5N6, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Lạc Vân tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn vịt.