Số liệu từ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho thấy, từ đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2021, VietinBank đã hỗ trợ cho vay mới khoảng 590.000 tỷ đồng; hạ lãi suất cho gần 7.500 khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, dư nợ đang được miễn giảm lãi suất là 260.000 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi thực đã hạ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay là gần 4.000 tỷ đồng.
Từ tháng 7/2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVD-19, VietinBank tiếp tục hỗ trợ giảm lãi suất cho vay lên tối đa 1%/năm đồng loạt đối với tất cả các khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mới đây nhất, ngân hàng đã bổ sung gói tín dụng ưu đãi đối với khu vực phía Nam, lãi suất từ 4 %/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 như: dệt may, da giày; dược, vật tư y tế; thương mại phân phối, bán lẻ; lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp; vận tải; hàng tiêu dùng thiết yếu… Qua đó, nâng tổng quy mô của các gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150.000 tỷ đồng.
"Dự kiến tổng số tiền cắt giảm lợi nhuận của VietinBank nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong năm 2021 vào khoảng hơn 6.000 tỷ đồng", đại diện VietinBank cho biết.
Trong khi đó, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đến tháng 7/2021 đã có khoảng 186.700 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 20.025 khách hàng với dư nợ hơn 52.000 tỷ đồng. Đồng thời, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.484 khách hàng với dư nợ hơn 11.460 tỷ đồng. Việc giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đối với dư nợ tại thời điểm 15/7/2021 mới đây của Agribank sẽ hỗ trợ cho khoảng 3,1 triệu khách hàng với hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ, tương đương số lãi sẽ giảm hơn 4.600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, gói tín dụng với tổng quy mô 200.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có lãi suất giảm đến 2,5%/năm so với cho vay thông thường đã giải ngân được trên 102.000 tỷ đồng với khoảng 9.000 khách hàng được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Số tiền mà Agribank đã giảm lãi cho khách hàng là khoảng 600 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2021, Agribank dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26/7/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.6 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng. Cùng đó, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đến ngày 26/7/2021 đã gia hạn nợ cho 191.235 khách hàng với dư nợ 4.723 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.192.080 khách hàng với số tiền 118.103 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng. Lý giải về tình trạng này, đại diện VietinBank khẳng định, ngân hàng luôn cam kết nỗ lực cung ứng đầy đủ vốn đáp ứng các nhu cầu chính đáng của khách hàng.
Tuy nhiên, một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhưng phương án vay chưa chặt chẽ, dòng tiền trả nợ chưa rõ ràng, khả thi… dẫn đến chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn tín dụng của ngân hàng. Hoạt động ngân hàng cần duy trì các tiêu chuẩn tín dụng cơ bản để đảm bảo tăng trưởng an toàn, bền vững không chỉ cho bản thân ngân hàng mà còn vì an toàn của cả hệ thống tài chính quốc gia.
Tiếp tục nỗ lực hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn, một số ngân hàng đã tiếp tục thực hiện giảm mạnh lãi suất cho vay và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, chính sách lãi suất ưu đãi lần này tập trung chủ yếu vào nhóm khách hàng tại các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành ngân sách 1.000 tỷ đồng để thực hiện giảm từ 0,5-1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như: giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort...
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương và 0,3%/năm với các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam khác đang thực hiện giãn cách xã hội. Chính sách này thực hiện từ ngày 18/8 đến hết 31/12/2021.
Không chỉ các ngân hàng lớn, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần cũng tham gia giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng.
Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), gói vay “Tài trợ VND - lãi suất ngoại tệ” với hạn mức lên đến 2.000 tỷ đồng và lãi suất từ 6%/năm đang được triển khai dành cho khách hàng doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với khách hàng có giao dịch mua, bán ngoại tệ với ABBank thì mức lãi suất áp dụng là 5,5%/năm.
Bên cạnh đó, ABBank còn có chương trình ưu đãi lãi suất áp dụng cho các khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay ngắn hạn dưới 12 tháng với hạn mức lên đến 3.000 tỷ đồng và 80 triệu USD. Theo đó, lãi suất từ 5%/năm đối với khách hàng giải ngân bằng VND và 2,1%/năm đối với khách hàng giải ngân bằng USD.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm cũng được triển khai đến hết ngày 31/12/2021. Gói tín dụng này có thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng giảm lãi suất từ 0,5-1,5%/năm, tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tại mức lãi suất này, có khoảng 70.000 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng cá nhân được hưởng chính sách giảm.
Song song với giảm lãi suất, cơ cấu nợ, ngành ngân hàng còn tiếp tục miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, triển khai nhiều tiện ích trực tuyến... giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021 sửa đổi Thông tư 26/2013/TT-NHNN về Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tiếp tục giảm 50% mức phí thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng từ ngày 1/9/2021 đến hết 30/6/2022.
Đây được xem là điều kiện thuận lợi giúp các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, tiếp tục có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.