Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài có khả năng đang được bán phá giá tại thị trường Việt Nam đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng công cụ kiện chống bán phá giá và biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.
Hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh
Ngày 4/7 vừa qua, Bộ Công Thương đã ra thông báo về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam, bao gồm sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaixia, Inđônêxia và Đài Loan (Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp trong nước tiến hành kiện doanh nghiệp xuất khẩu vào Việt Nam bán phá giá. Tuy nhiên, gần 10 năm kể từ ngày Việt Nam ban hành pháp lệnh chống bán phá giá mới có một vụ được khởi kiện.
Trái cây là mặt hàng có nguy cơ cao về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam. Trong ảnh: Quầy trái cây tại siêu thị Big C tại Ninh Bình. Anh Minh- TTXVN |
Trong khi đó, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho biết, có đến hàng chục mặt hàng có nguy cơ cao về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam gồm: Thiết bị điện, điện tử; máy móc; dầu và nhiên liệu; sắt, thép; nhựa và sản phẩm nhựa; hàng may mặc và phụ kiện; vải dệt kim, móc; hoa quả, trái cây; phương tiện vận tải và bông.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết thêm: “Nhiều loại hàng hóa dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu vào nước ta từ các nước láng giềng hiện đang là đối tượng của nhiều vụ kiện ở các thị trường khác trên thế giới (Trung Quốc bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất với 916 vụ, gấp 3 lần nước đứng thứ hai là Hàn Quốc). Chính vì thế, không có gì đảm bảo những nước đó không bán hàng phá giá và cạnh tranh không lành mạnh vào Việt Nam”. “Đây cũng chính là các mặt hàng Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nhất nên tác động đến sản xuất trong nước là không nhỏ”, bà Loan nhấn mạnh.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên nhân của tình trạng gia tăng xu hướng bán phá giá có thể đến từ: hiện trạng kinh tế nội địa ngày càng khó khăn, khủng hoảng thì việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại càng phổ biến; có thể hàng hóa từ một số nước thực sự đang bán phá giá, được trợ cấp hoặc xuất ồ ạt vì nhiều mục đích như: giải quyết tồn kho trong nước, cạnh tranh không lành mạnh để chiếm lĩnh thị trường...
“Doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình khi có dấu hiệu bị hàng hóa nước ngoài bán phá giá”, ông Lê Sỹ Giảng, Phó trưởng ban Phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương. |
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) nhấn mạnh, hiện tượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đang được nhận trợ cấp, bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất là một vấn đề gây bức xúc. Việc nhiều mặt hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam đã và đang khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước thêm phần khó khăn và bị cạnh tranh gay gắt ngay trên chính "sân nhà".
Chuyển từ kháng kiện sang khởi kiện
Từ trước đến nay, Việt Nam đang hứng chịu khoảng 70 vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp từ các nước nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ sử dụng 3 lần công cụ phòng vệ thương mại, trong đó có 2 vụ tự vệ và 1 vụ chống bán phá giá (chính là vụ kiện thép không gỉ nêu trên).
Điều này đặt ra câu hỏi là tại sao các công cụ phòng vệ thương mại phù hợp thông lệ quốc tế như kiện chống bán phá giá lại chưa được sử dụng nhiều tại Việt Nam. Lý giải điều này, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, sở dĩ có thực tế này là do các công cụ phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, hàng rào kỹ thuật...) là rất mới mẻ đối với Việt Nam dù các biện pháp này đã được nhiều nước áp dụng trong thương mại quốc tế. Về mặt kỹ thuật, pháp luật đây lại là những vấn đề phức tạp, cần có sự cân nhắc nhiều chiều các bên. Ngoài ra do nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý có những hạn chế nhất định. Hệ quả là 10 năm nay và phần lớn doanh nghiệp trong nước phải chịu trận, kháng kiện chứ chưa kiện để bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo ông Lê Sỹ Giảng, Phó trưởng ban Phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình khi có dấu hiệu bị hàng hóa nước ngoài bán phá giá. Cụ thể như: doanh nghiệp gặp khó khăn, sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu giảm; nhập khẩu của hàng hóa cùng loại tăng nhanh; giá hàng hóa nhập khẩu giảm trong thời gian đủ dài dẫn đến sức khỏe của doanh nghiệp riêng lẻ và của toàn ngành suy yếu. Từ đó, doanh nghiệp lựa chọn công cụ bảo vệ phù hợp như kiến nghị về thuế nhập khẩu, hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại.
Thu Hường