Nhiều chương trình kích cầu
Để kích cầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Ngân hàng Bản Việt công bố dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ SME vay ưu đãi với lãi suất 8,5% mỗi năm, từ nay đến hết 31/12. Khách hàng khi kích hoạt sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử được miễn phí các dịch vụ thanh toán hóa đơn, quản lý dòng tiền ra vào, in sao kê miễn phí trong 3 tháng. Còn từ nay đến hết 31/8, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) triển khai chương trình "Gói tín dụng - dịch vụ SME thịnh vượng" dành cho SME mới, chưa mở tài khoản hoặc chưa giao dịch tại Vietbank, có thời gian hoạt động liên tục trên 24 tháng, khi tham gia chương trình sẽ nhận được những ưu đãi bao gồm: ưu đãi về lãi suất vay ngắn hạn, miễn phí dịch vụ tài khoản, miễn giảm phí giao dịch tại quầy... Trong khi đó, Ngân hàng Nam Á miễn hầu hết các khoản phí dịch vụ online và tại quầy như dịch vụ chuyển khoản, dịch vụ ngân quỹ, dịch vụ quản lý tiền mặt, dịch vụ ebanking... trong thời gian 6 tháng lên đến 20 triệu đồng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhiều. Cụ thể, trong năm 2018. cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,5% so với năm 2017. Hầu hết các doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều vay vốn ngân hàng để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị mới, đầu tư khác hay bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, việc vay vốn cũng đồng nghĩa doanh nghiệp phải gánh nhiều khoản phí, cộng thêm lãi suất vay.
Anh Nguyễn Toàn, Giám đốc một công ty Logistic tại quận 1, cho biết: “Có những khoản phí rất nhỏ, nhưng với số lượng và tần suất lớn sẽ tạo nên một khoản chi phí đáng kể. Tính ra, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả tới gần 20 triệu đồng tiền phí các loại, đó là một khoản chi phí không hề nhỏ”.
Tăng trưởng tín dụng vẫn phải ưu tiên chất lượng
Để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các NHTM mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên ngay trong tháng 3. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tín dụng trong năm 2019 được dự báo không dễ dàng vì dư địa tăng trưởng tín dụng hạn chế do việc tăng vốn của nhiều ngân hàng đang gặp khó, cộng thêm việc giới hạn tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết lại.
Trong khi đó, việc tăng “room” tín dụng hiện đang được NHNN xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro, nếu tình trạng phân bổ tín dụng không rõ ràng, kiểm soát dòng vốn không đúng mục đích có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, nợ xấu tăng. Ngoài ra, tín dụng phải được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, hạn chế tăng trưởng lĩnh vực phi sản xuất, có rủi ro cao.
Theo các NHTM, tín dụng vẫn là sản phẩm kinh doanh chính của các ngân hàng, đem lại lợi nhuận chủ yếu. Nhưng trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 chỉ ở mức 14%, các ngân hàng buộc phải xoay chuyển chiến lược kinh doanh, đong đo từng sản phẩm sao cho phù hợp với từng doanh nghiệp, cá nhân.
Dù vậy, theo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, điểm tích cực là nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong năm 2018 tại thành phố chỉ chiếm 2,9% tổng dư nợ. Điều này cho thấy, chất lượng tín dụng đã được kiểm soát tốt và vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng của các NHTM.