Để hạn chế dịch bệnh tả châu Phi lan rộng và có diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng đang tiến hành kiểm tra, thẩm định và cấp lại giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đối với một số trang trại chăn nuôi lợn giống và lợn thịt tiêu chuẩn công nghiệp và hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Khánh cho biết: Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn để có số liệu ước tính kinh phí ứng phó, xử lý và kiểm soát kịp thời khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền tới người dân không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn; tiếp tục lấy mẫu giám sát bệnh dịch tả lợn châu Phi theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giám sát dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2024.
Cùng với đó, đơn vị đôn đốc các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện dịch bệnh trên đàn lợn, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh…
Về phía địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan xử lý đối cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y…
Từ đầu năm đến hết tháng 5/2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 45 chuồng nuôi của các hộ dân ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Số lợn nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy là 310 con, tổng trọng lượng hơn 12.500 kg. Hiện cơ quan chức năng đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để triển khai các biện pháp ứng phó.
Riêng tháng 5/2024, số lợn chết và tiêu huỷ gần 100 con với tổng khối lượng trên 3.500 kg (tăng so với tháng trước 61 con, khối lượng tiêu huỷ tăng 2.049 kg). Hiện nay, =tỉnh còn 5 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại các xã Sơn Lộ, Hồng Trị (huyện Bảo Lạc); xã Cần Yên (huyện Hà Quảng); các xã Chí Viễn, Khâm Thành (huyện Trùng Khánh).
Khi xuất hiện dịch, các địa phương đã huy động các nguồn lực tổ chức triển khai các giải pháp kiểm soát các ổ dịch, không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn. Theo đó, các tổ, đội công tác của xã, thôn giám sát chặt chẽ ổ dịch; chuẩn bị địa điểm chôn hủy và bố trí nhân lực, vật lực tiêu hủy triệt để lợn bệnh; thông tin tuyên truyền thường xuyên đến người dân về bệnh dịch…