Quản chặt hợp đồng chạy xe
Một trong những điểm đáng chú ý và nhận được sự kỳ vọng lớn của dư luận là trong dự thảo Nghị định mới bổ sung những điều kiện đưa hoạt động kinh doanh xe hợp đồng và xe du lịch vào khuôn khổ.
Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh; quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau.
Đáng chú ý, “Hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Với đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ôtô có số người được phép chở dưới 8 chỗ phải thông báo tới cơ quan quản lý nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi theo quy định”, dự thảo Nghị định nêu.
Như vậy, với những quy định mới này, vấn nạn xe hợp đồng trá hình, hay còn gọi là xe dù, xe Limousine vốn đang gây nhức nhối ở nội đô các thành phố lớn hiện nay sẽ hết cửa hoạt động. Vấn đề đặt ra là các lực lượng chức năng phải kiên quyết xử phạt nếu phát hiện mới răn đe được vi phạm.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội, để những quy định mới thực thi hiệu quả, không chỉ ngành Giao thông, mà các ngành khác như Tài chính, Công an phải vào cuộc để xử lý triệt để tình trạng xe dù, bến cóc. Vì các xe hợp đồng đang hoạt động phần lớn trốn thuế, phá vỡ các tuyến vận tải cố định.
Trao đổi về những quy định mới, theo ông Đỗ Công Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), thành viên Ban soạn thảo Nghị định, quy định siết chặt xe hợp đồng nhằm kiểm soát và xử lý tình trạng xe dù, bến cóc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để phục vụ công tác thanh, kiểm tra và hậu kiểm việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải theo yeu cầu của Bộ GTVT tại các địa phương.
Bên cạnh đó, thông qua dữ liệu thu thập từ hệ thống giám sát hành trình và hợp đồng vận tải tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xác định được doanh nghiệp có vi phạm quy định hay không. Doanh nghiệp vận tải có thể thuê 4 - 5 địa điểm, văn phòng để lách luật, nhưng với điều kiện ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, việc này không dễ dàng gì. Doanh nghiệp cũng không thể mãi đi tìm các địa điểm khác nhau để đối phó.
Thu thuế như thế nào?
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, yêu cầu sửa đổi dự thảo Nghị định 86/CP trên tinh thần tăng cường quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đảm bảo hoạt động theo đúng quy định pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế. Đối với loại hình xe hợp đồng, cần bổ sung các điều khoản để không cản trở các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia kinh doanh vận tải, nhưng phải đảm bảo các điều kiện để việc kinh doanh được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cả nước hiện có gần 11.000 đơn vị vận tải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với số lượng phương tiện khoảng trên 55.000 xe.
Do điều kiện kinh doanh tương đối đơn giản, chi phí hoạt động thấp, nên thời gian qua, loại hình vận tải này nở rộ, địa phương nào cũng có. Nổi bật nhất phải kể đến loại xe Limousine 9 chỗ ngồi, đang rất hấp dẫn hành khách vì chất lượng cao.
Thực tế này đặt ra vấn đề không nên cấm, mà cần đưa vào quản lý. Vì vậy, dự thảo Nghị định 86/CP phân thành nhóm 3 đối tượng xe hợp đồng theo các điều kiện kinh doanh cụ thể dựa trên bản chất hoạt động của từng loại hình: Nhóm thứ nhất, xe kết nối phần mềm dưới 8 chỗ sẽ quản lý như điều kiện taxi. Nhóm thứ hai, loại xe Limousine chạy như xe tuyến cố định điều kiện kinh doanh sẽ quản lý tương tự như điều kiện kinh doanh xe tuyến cố định. Nhóm thứ 3, xe hợp đồng của hộ cá thể phục vụ người có nhu cầu thực sự thuê xe theo nhu cầu vẫn thực hiện theo điều kiện kinh doanh xe hợp đồng.
Liên quan đến việc thu thuế của loại hình xe hợp đồng, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong Nghị định 86/CP quy định rõ là Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành liên quan thực hiện, Bộ GTVT chỉ chịu trách nhiệm về điều kiện kinh doanh, trách nhiệm thu thuế do Bộ Tài chính quản lý và các cơ quan thuế thực thi.
“Để thu được thuế đúng, đủ của xe hợp đồng không khó. Chỉ cần trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi xe do Bộ GTVT quản lý đang được kết nối liên thông với dữ liệu của ngành Thuế sẽ biết rõ doanh thu của từng xe, từng doanh nghiệp”, ông Thanh cho hay.