Ngành chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn tăng - Bài 2: “Chóng mặt” với giá

Viện dẫn giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước liên tục tăng giá. Hiện giá TACN ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan… đang “góp phần” đẩy người chăn nuôi vào cảnh khó khăn.

Chiếm 70% giá thành chăn nuôi...


Theo tính toán của người chăn nuôi, để có một con lợn thịt xuất chuồng từ 90 - 100 kg, người chăn nuôi phải bỏ ra từ 3,8 - 4 triệu đồng chi phí cho TACN, con giống, thuốc men, công chăm sóc…; trong đó, chỉ riêng TACN đã chiếm đến hơn 70% tổng chi phí đầu tư. “Thông thường, để có 1 kg lợn hơi, người chăn nuôi phải bỏ ra khoảng 2,6 - 3 kg TACN. Với giá thức ăn như hiện nay, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi bị đẩy lên mức 40.000 - 42.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi trên thị trường chỉ dao động từ 3,4 - 3,6 triệu đồng/tạ, tức chỉ 34.000 - 36.000 đồng/kg. Do vậy, việc người chăn nuôi thua lỗ là điều khó tránh khỏi” - anh Đạt ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng là nguyên nhân chính khiến cho người chăn nuôi vất vả với bài toán lợi nhuận.


Được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, nghề nuôi trồng thủy sản đã từng đem lại sự sung túc cho không ít nhà nông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... Tuy nhiên, ước tính trong năm nay, diện tích toàn vùng nuôi sẽ giảm mạnh và nguyên nhân chính vẫn do giá TACN tăng cao, đẩy nhà nông ngấp nghé bờ vực phá sản. Tính đến cuối tháng 2/2013, diện tích thu hoạch cá tra toàn vùng giảm. Cụ thể, tỉnh An Giang chỉ mới thu hoạch 18.000 tấn, giảm 30%; tỉnh Cần Thơ thu hoạch 8.000 tấn, giảm 11%; Đồng Tháp thu hoạch hơn 20.000 tấn, giảm khoảng 5%...


“Bình quân 1,6 - 1,8 kg thức ăn mới có được 1 kg cá thương phẩm và ở tôm thẻ chân trắng là 1,3 - 1,5 kg TACN cho ra khoảng 1kg tôm. Để có được 1 kg cá tra thương phẩm, người chăn nuôi phải chi khoảng 19.200 - 20.000 đồng; trong khi đó, tổng chi phí đầu tư chiếm khoảng 24.000 - 25.000 đồng/kg. Các tính toán trên dựa trên điều kiện thức ăn đảm bảo chất lượng và thời gian nuôi theo đúng quy định, nếu xui xẻo gặp phải TACN kém chất lượng, thời gian nuôi lâu thì chi phí của nhà nông còn tăng cao hơn nữa” - ông Bùi Văn Khen -một nông dân nuôi thủy sản ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết.

Đã tăng và sẽ tăng


Từ tháng 1/2013, TACN bước vào đợt tăng giá mới với mức tăng trung bình từ 300 - 800 đồng/kg và tăng mạnh nhất ở loại thức ăn đậm đặc. Tại nhiều cửa hàng thuốc thú y và TACN ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá bán lẻ nhiều loại TACN đậm đặc dạng bột (như Con cò, Cargill, Hi-Gro…) phổ biến ở mức 18.000 - 19.000 đồng/kg, riêng một số loại thức ăn dạng bột dành cho lợn con, cá giống lên đến 20.000 - 23.200 đồng/kg. TACN hỗn hợp dạng viên đang có giá 11.000 - 16.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” về giá. “Giá TACN của Việt Nam đang đắt hơn Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia,… từ 15-20%. Chỉ tính trong năm 2012, giá TACN đã tăng tới 4 lần. Theo đó, giá thức ăn hỗn hợp cho gà tăng thêm 4,7% và hỗn hợp cho lợn tăng hơn 5%...” - ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhận xét.


Theo dự báo, trong năm nay, giá TACN sẽ khó giảm mà còn có xu hướng tăng, do giá nguyên liệu đầu vào không giảm. Hiện, việc sản xuất những nguyên liệu ngô, sắn, cám gạo, bột cá… ở trong nước chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến TACN. Vì thế, trong những năm tới, các nhà sản xuất TACN sẽ vẫn phải phụ thuộc nhiều vào những nguyên liệu nhập khẩu và đối mặt với thực trạng giá cả thất thường, khó kiểm soát.


“Năm 2012 chúng ta phải chi hơn 3 tỷ USD nhập khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu về sản xuất TACN. Trong đó, có 3,3 triệu tấn khô đậu tương; 2,4 triệu tấn lúa mỳ; 1,6 triệu tấn ngô, hơn 426.000 tấn bột thịt xương... Do nhiều nguyên liệu tăng giá nên giá TACN trong nước bị đẩy lên cao. Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, do điều kiện thời tiết phức tạp, năm 2013, sản lượng lúa mỳ và nhiều phụ phẩm nông nghiệp khác toàn cầu giảm. Điều này khiến giá bán tăng và chắc chắn sẽ tác động đến giá thành sản xuất TACN trong nước” - ông Bình nói thêm.


Bài và ảnh:Lê Nghĩa

Bài 3: Doanh nghiệp ngoại thâu tóm thị trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN