Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và còn nhiều mặt hàng nông sản bị tồn đọng với khối lượng lớn, giá giảm sâu. Một số chuỗi sản xuất bị đứt gẫy, ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã ban hành quy định kiểm dịch trong lưu thông hàng hóa chưa thống nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông làm hư hỏng nông sản, sản phẩm nông nghiệp; tăng chi phí vận tải đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Đồng thời, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện phương án huy động phương tiện, người điều khiển phương tiện tổ chức vận tải.
Cùng đó, bảo dưỡng sửa chữa; cứu hộ giao thông; tổ chức giao thông trên các tuyến liên tỉnh và các đầu mối vận tải trọng yếu; thực hiện nghiêm Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19; vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hoá được thông suốt…
Để hỗ trợ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thống kê và chuẩn bị phương án huy động lực lượng lái xe và phương tiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố theo 2 hình thức là tình nguyện tham gia và cung ứng dịch vụ theo yêu cầu.
Đối với Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chi tiết các nội dung công việc, nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện để hỗ trợ cho địa phương có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp….
Bên cạnh đó, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thuyền viên và những người làm việc trong chuỗi cung ứng hàng hóa; thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động hàng hải tại khu vực để kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, xây dựng quy trình cấp phép bay thực hiện trên môi trường trực tuyến với thành phần lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam, các cảng vụ hàng không đảm bảo việc xử lý phép bay liên tục 24/7; bố trí tăng cường chuyến bay vận chuyển hàng hóa trong thời gian chuyến bay vận chuyển hành khách giảm..
Đối với lĩnh vực đường thủy, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19; thường xuyên duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, chỉ đạo cảng vụ đường thủy nội địa, chi cục đường thủy nội địa chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhân lực để hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong phòng chống dịch, đảm bảo an toàn, an dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội khi được yêu cầu…
Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Đội Thanh tra - An toàn đường thủy nội địa), Cảng vụ Đường thủy nội địa tại các tỉnh, thành phố phải bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện kịp thời hỗ trợ tối đa các địa phương trong công tác phòng chống dịch, bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án tăng cường kết nối với vận tải đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không để lựa chọn một số loại hàng hóa có thể tổ chức vận chuyển bằng đường sắt theo vùng hoặc vận chuyển Bắc - Nam nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ.
Đối với các Sở Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các đơn vị này tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị giải quyết triệt để ách tắc trong lưu thông hàng hóa; ban hành chính sách hỗ trợ chủ xe, lái xe để giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp.
Cùng đó, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lái xe, nhân viên bốc xếp hàng hóa; chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa bàn tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam…