Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu xây dựng ngành theo hướng thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Một trong giải pháp được Bộ Xây dựng chú trọng là đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí thông qua việc tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động mà trước hết nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng như cán bộ, đảng viên, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
“Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những chương trình hành động, kế hoạch, có chỉ tiêu cụ thể, các công việc cụ thể và tiến hành thường xuyên, triệt để” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tập trung vào giải pháp rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng có liên quan đến phòng, chống lãng phí. Điển hình là nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật đối với các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Cụ thể như việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật; lĩnh vực quản lý hoạt động xây dựng, giám định chất lượng công trình, quy hoạch xây dựng, vật liệu xây dựng... quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống lãng phí; nghiên cứu, xây dựng định hướng chiến lược phòng, chống lãng phí trong ngành xây dựng. Đặc biệt là xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.
Giải pháp thứ ba được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu là tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ khâu xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành xây dựng được coi là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Đồng thời, cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để chống lãng phí.
Cùng với việc sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, sửa đổi, tối ưu hóa quy trình làm việc đảm bảo khoa học, hiệu quả; nâng cao hiệu quả sử dụng tiết kiệm năng lượng; tập trung nghiên cứu, triển khai, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội. Bộ Xây dựng cũng thực hiện rà soát, hoàn thiện tinh gọn bộ máy tổ chức để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành nâng cao chất lượng lập quy hoạch xây dựng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, quyết định chủ trương đầu tư; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án để chống lãng phí, thất thoát.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện dự án; công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán. Khâu quản lý, kiểm tra, đôn đốc hoàn thành công trình đúng tiến độ cũng được tăng cường cùng với việc đẩy mạnh quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành; giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn (nếu có).
Ngoài ra, Bộ Xây dựng tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh phát triển của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã ban hành các chương trình hành động của ngành; trong đó, đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do đó, hiệu quả quản lý nhà nước ngành xây dựng được nâng cao; ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ; việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng tài sản công ở các đơn vị thuộc Bộ đúng định mức, tiết kiệm.
Cụ thể như, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Theo đó, đã phân cấp thẩm quyền thẩm định một số loại công trình, dự án cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương và chủ đầu tư; phân cấp thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương đối với một số công trình.
Quán triệt về thực hiện chi tiêu tiết kiệm, Bộ Xây dựng đã rà soát, tổng hợp, xác định số tiết kiệm, cắt giảm 5% chi thường xuyên năm 2024; tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (còn 15 đơn vị và thực hiện tổ chức lại 21 đơn vị). Về cải cách hành chính, Bộ Xây dựng đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 119 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành; trong đó 29 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 9 dịch vụ công trực tuyến một phần…
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện vẫn tồn tại một số dạng thức của lãng phí như: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, lãng phí các nguồn lực; thủ tục hành chính còn gây lãng phí thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm…