Dự kiến, ngày 2/9, chuyên gia này sẽ đến Việt Nam để thực hiện việc kiểm dịch thực vật xuất khẩu trái cây Việt Nam sang quốc gia này.
Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, trước khi thực hiện công việc kiểm dịch, chuyên gia này cũng sẽ phải thực hiện phòng chống dịch COVID-19 theo quy định. Sau khi hết cách ly, chuyên gia sẽ bay vào Tp. Hồ Chí Minh để thực hiện kiểm dịch trái cây như trước đây.
Từ hồi tháng 3/2020, khi tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, Hoa Kỳ đã yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước; trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ. Nhân viên APHIS trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình chiếu xạ Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở Tp. Hồ Chí Minh. Đây cũng là nhà máy chiếu xạ duy nhất của Việt Nam được APHIS chứng nhận.
Trong thời gian chờ đợi chuyên gia kiểm dịch Hoa Kỳ sang Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đã nỗ lực làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và đề nghị cho phép cán bộ Đại sứ quán tiếp tục thực hiện giám sát xử lý để trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường này và đã được chấp thuận.
Do cán bộ được cử không phải phụ trách chính nhiệm vụ kiểm dịch thực vật nên thời gian làm việc kiểm dịch có sự hạn chế. Bên cạnh đó, từ ngày 7/8 đến 21/8, đã xảy ra khoảng thời gian gián đoạn do không có cán bộ làm kiểm dịch thực vật nên việc chiếu xạ và xuất khẩu trái cây sang thị trường này bị ngưng trệ một thời gian.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được trên 6.000 tấn trái cây sang thị trường Hoa Kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được trên 3.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Thường những tháng cuối năm sẽ vào cao điểm thu hoạch các sản phẩm trái cây xuất khẩu sang thị trường này. Do đó, kỳ vọng xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ năm nay sẽ có sự tăng trưởng tốt.
Việt Nam hiện có 6 loại trái cây được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài.