Phóng viên TTXVN tại Vĩnh Long đưa tin, ở địa phương này, khoai lang đang bị ế dài, đâu đâu cũng thấy bày bán khoai lang với giá thấp đến giật mình: Từ 120.000 đến 180.000 đồng/60 kg đối với khoai lang tím Nhật, giảm từ 150.000 - 200.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Tại huyện Bình Tân, một “vựa” khoai lang của tỉnh, rất nhiều diện tích khoai lang bỏ không thu hoạch, lợn ăn không hết, người dân thuê máy cày, máy trục cán nát để lấy đất trồng cây khác.
Cây khoai lang đã “bén duyên” với người dân vùng đất Bình Tân hàng chục năm nay, vụ này không được người dân nơi đây mặn mà vì được mùa nhưng không được giá. Theo tính toán, cứ 1000 m2 trồng khoai lang, người dân phải đầu tư khoảng 10 - 12 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá bán trên, họ bị thua lỗ khoảng 10 triệu đồng/1.000m2 (với những ruộng khoai bán được).
Vì sao mà khoai lang ở Vĩnh Long ế ẩm, giá sụt giảm mạnh như năm nay? Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh lý giải, nguyên nhân là do khoai lang chủ yếu được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, không có hợp đồng chắc chắc và luôn có sự thay đổi về quy cách sản phẩm, khiến người sản xuất luôn bị động, không nắm được yêu cầu của thị trường tiêu thụ và thiếu thông tin về giá cả.
Còn nhớ, vụ khoai năm 2012, khi giá khoai lang tím (giống Nhật) lên đến hơn 1 triệu đồng/100 kg, người dân Vĩnh Long đổ xô trồng khoai lang. Không chỉ triệt để tận dụng diện tích đất ở địa phương để trồng, mà nhiều hộ còn sang tỉnh khác mướn đất để mở rộng diện tích. Tuy nhiên, chỉ vụ khoai sau, cung vượt cầu, thương lái Trung Quốc “ngoảnh mặt” nên giá khoai rớt thê thảm, nhiều người trồng khoai gần như sạt nghiệp. Thế nhưng, chuyện “nhãn tiền” vẫn chưa đủ sức để người trồng khoai cảnh tỉnh và vụ khoai này, bài học chua xót cũ đã lặp lại.
Cũng có ý kiến cho rằng, tại năm nay khoai lang được mùa, vì vậy mà giá hạ và khâu tiêu thụ sản phẩm cũng khó khăn. Tuy nhiên, những người am hiểu vùng đất này thì cho rằng, đó chỉ là lý do phụ, vấn đề nằm ở khâu tổ chức lưu thông phân phối. Lâu nay, nhiều người Vĩnh Long vẫn quan niệm, do cách xa các thị trường lớn nên khó tiêu thụ nông sản, vì vậy mà sản phẩm nông nghiệp của Vĩnh Long chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Thực ra, điều kiện đâu đến nỗi khó khăn tới mức mà nông sản Vĩnh Long không thể vượt khỏi ranh giới của tỉnh, nhất là khi giao thông ngày càng được cải thiện nhờ sự quan tâm của Nhà nước. Khi mà quả vải Bắc Giang, Hải Dương, vốn rất khó bảo quản, vẫn có thể vượt hàng ngàn km vào với người dân phía Nam và xuất khẩu sang nhiều nước; nhiều loại trái cây miền Nam vẫn ùn ùn ngược ra Bắc; thì không lẽ khoai lang Vĩnh Long lại bất lực nằm ì tại chỗ, để thương lái “làm mình làm mẩy”.
Ở một tỉnh mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế như Vĩnh Long lại chưa tìm ra một mô hình, cách thức tiêu thụ nông sản hợp lý, thì khó mà thoát được cái vòng luẩn quẩn “được mùa, rớt giá”. Có lẽ, các ngành chức năng lẫn người dân địa phương cần phải thay đổi tư duy, tìm các giải pháp xúc tiến thương mại, sự đột phá “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp, và quan trọng nhất là tránh phụ thuộc vào một thị trường.