Nghị quyết 02/NQ-CP: Kỳ vọng những động lực mới

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19... đang là những kỳ vọng to lớn mà Đảng, Chính phủ cùng toàn hệ thống chính trị hướng tới và nỗ lực thực hiện trong giai đoạn 2022-2025 như tinh thần đề ra của Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022. 

Chú thích ảnh
Doosan Vina (Quảng Ngãi) xuất 2.600 tấn sản phẩm cho Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 và nhà máy Lọc dầu Sriracha, Thái Lan. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây cũng được xem là chủ trương khá toàn diện khi tập trung vào nhiều khía cạnh về cải cách thể chế và khắc phục những vấn đề còn là rào cản, vướng mắc nhằm khơi thông hơn nữa mọi nguồn lực trong xã hội. Qua đó, tăng cường thu hút đầu tư ở cả ở trong và ngoài nước để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Nhiều mục tiêu cụ thể được đề ra như tới năm 2025, Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh 4.0 theo bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Việt Nam sẽ thuộc nhóm 40 nước đứng đầu về phát triển bền vững theo tiêu chí của Liên Hợp quốc (UN) và về năng lực đổi mới sáng tạo theo bảng xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; cũng như thuộc nhóm 60 nước đứng đầu về Chính phủ điện tử và về quyền tài sản theo các tiêu chí của Liên minh quyền tài sản. Việt Nam sẽ tăng thêm ít nhất 4 bậc về hiệu quả logistics theo đánh giá của Ngân hàng thế giới và tăng ít nhất 3 bậc về an toàn, an ninh mạng; đồng thời, sẽ thuộc nhóm 50 nước đứng đầu về năng lực cạnh tranh du lịch...

Để hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn, ngay trong năm 2022, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra liên quan tới cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch; cải thiện năng lực cạnh tranh 4.0; cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo và tăng điểm số các chỉ số về công nghiệp, sáng tạo và phát triển bền vững theo xếp hạng phát triển bền vững của Liên Hợp quốc....

Nhìn vào thực tế cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ghi nhận, cho dù đã đạt những kết quả nhất định, song từ năm 2020 tới nay, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, nên hoạt động cải cách môi trường kinh doanh cũng có xu hướng chững lại. Vẫn tồn tại nhiều rào cản, hạn chế quyền tự do kinh doanh và ẩn chứa rủi ro đối với doanh nghiệp. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà điểm tuyệt đối và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp và hầu như không được cải thiện về thứ bậc.

Trong xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay, có thể thấy, việc cải thiện vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng sẽ ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi nỗ lực cao hơn bởi các nền kinh tế khác trên thế giới cũng đang rất chú trọng cải cách nhằm nâng cao vị thế trên toàn cầu. Hơn nữa, nhiều tiêu chí, chỉ số không chỉ đơn thuần liên quan tới quy định, thủ tục hành chính có thể nhận diện, sửa đổi hoặc bãi bỏ ngay mà cần phải sửa luật.

Cũng có nhiều chỉ số phải nỗ lực liên tục trong một số năm mới có thể cải thiện được, nhất là các chỉ số liên quan tới hạ tầng, nhân lực và các yếu tố xã hội. Chính vì thế, thông qua Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ, những nỗ lực cải cách trong thời gian tới rất cần được tiếp tục phát huy, cần sự vào cuộc mạnh mẽ và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và sự chia sẻ thông tin và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoa Cương nhấn mạnh.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, bà Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà (Bình Thuận) cho rằng, Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ được ban hành ở thời điểm cấp bách mà doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng sau những tác động của dịch bệnh. Sau nghị quyết này, doanh nghiệp mong đợi những văn bản hướng dẫn thực thi cụ thể hơn, đề cập tới những vấn đề sát sườn mà doanh nghiệp quan tâm như: thủ tục nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội sao cho nhanh gọn và đơn giản; thực hiện các thủ tục hải quan trong xuất nhập khẩu hàng hóa sao cho dễ dàng, thuận lợi, bớt tốn kém các chi phí. Hay như khi có nhu cầu, doanh nghiệp sẽ tiếp cận nguồn tín dụng bằng cách nào để đạt hiệu quả cao nhất mà vượt qua những nghi ngại, lo lắng về tài sản bảo đảm hay quy định về thế chấp...

Hiện nay, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp rất quan tâm với việc phát triển thương mại điện tử, hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Phúc Hà mong muốn chính quyền địa phương sẽ xây dựng thêm các cơ chế, chính sách mới, cởi mở và thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối giao thương với các đối tác, khách hàng thông qua các chương trình, dự án xúc tiến thương mại, mà trước đây, nếu muốn tham gia, doanh nghiệp cần đầu tư chi phí không nhỏ.

Cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, ông Lý Minh Đường, đại diện Công ty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Long Châu cho biết, rất quan tâm tới chủ trương ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo mà Chính phủ đề ra theo Nghị quyết 02/NQ-CP của năm nay. Bởi hơn lúc nào hết, trải qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp đã thấy rõ thế mạnh của công nghệ. Chỉ khi có sự chủ động và kết nối được với khách hàng, với các đối tác và với thị trường, doanh nghiệp mới có thể trụ vững và phát triển; nhất là trong xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay.

Không chỉ là việc tiếp cận mà doanh nghiệp đang rất nóng lòng được đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và quản lý việc vận hành. Song để triển khai trong thực tiễn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư không nhỏ và đó chính là cái khó bó cái khôn của doanh nghiệp vào lúc này. "Long Châu hy vọng, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ sớm triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP bằng những hành động cụ thể, những hướng dẫn chi tiết cùng cách thức, đường hướng mà doanh nghiệp phải thực hiện để việc chuyển đổi số không đơn giản chỉ là thay đổi máy móc, công nghệ, mà còn là sự cải thiện, nâng cấp về trình độ, tư duy quản lý..., như thế mới tạo thêm nhiều động lực mới để doanh nghiệp phát triển và bứt phá", ông Đường nhấn mạnh.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, tăng nhanh doanh nghiệp mới 
Cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, tăng nhanh doanh nghiệp mới 

Ngày 5/1, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN