Không thế chấp được tài sản hình thành trên đất
Từ cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo cần phải có một gói tín dụng dành 100.000 tỷ đồng với cơ chế vay ưu đãi, thuận lợi, thông thoáng nhất để khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ở nước ta.
Ngày 24/4/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 813 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ. Đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước mà nguồn vốn do các ngân hàng thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường.
Theo đó, sẽ có một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ và việc 8 ngân hàng thương mại đồng tình ủng hộ chủ trương của Chính phủ, dành số tiền này để cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0.5%/năm đến 1.5%/năm so với các chương trình cho vay khác. Chương trình này đã mang đến nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cũng như người dân làm nông nghiệp CNC.
Tuy nhiên, do đây là chương trình cho vay phải đảm bảo đúng các quy định về tín dụng thương mại, nên việc doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn này để khởi nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gặp nhiều khó khăn.
Sáng 4/7, trong hội nghị về "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao”, do Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Nguồn vốn dành cho lĩnh vực nông nghiệp CNC có, song thực tế, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án nông nghiệp CNC như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị… đầu tư lớn nhưng lại không được chứng nhận là tài sản bảo đảm để vay vốn".
Các chuyên gia nông nghiệp bàn cách gỡ khó về vốn cho nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: H.V |
Công nhận thực trạng này, TS. Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước-NHNN) cho biết, việc các cơ quan có thẩm quyền chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Do vậy, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường cho rằng, nhanh chóng thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục giao dịch tài sản đảm bảo tại Ngân hàng thương mại.
Theo Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, do đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc cho vay phải đảm bảo đúng các quy định về tín dụng thương mại. Vì vậy, việc doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn này để khởi nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và việc sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao cho cả phía ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.
Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản
Về việc tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án nông nghiệp CNC như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị… chưa được cấp giấy chứng nhận để vay vốn. TS. Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc này của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ gỡ khó vấn đề này theo hướng có thể dùng các tài sản này để thế chấp ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Tần, NHNN kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để người dân, doanh nghiệp có thể làm các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi vay vốn sản xuất nông nghiệp CNC.
Theo ông Lại Xuân Môn Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, nông nghiệp Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bước vào thời kỳ với nền kinh tế thị trường và hội nhập đã bộc lộ nhiều bất cập.
Vì vậy, việc Chính phủ hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao và kèm theo đó là gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi đúng đắn và kịp thời.
Theo báo cáo kết quả sơ bộ, đến nay, tổng dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao tại các ngân hàng thương mại đã đạt con số tương đối lớn là 32.339 tỷ đồng, với 4.021 khách hàng (3.957 khách hàng cá nhân, 64 doanh nghiệp). Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 21.700 tỷ đồng, chiếm 84%; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.300 tỷ đồng. Đây là con số bước đầu rất đáng phấn khởi dù chặng đường phát triển phía trước còn gian nan.