Trong khi các giải pháp này mang tính tạm thời và chỉ giải quyết được phần ngọn của "bài toán" thiếu nước thì công tác quản lý, kiểm soát nguồn nước sử dụng lại gần như không được quan tâm.
Xây hồ ồ ạt vẫn thiếu nước
TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển tài nguyên nước và biến đổi khí hậu (Hội Tưới tiêu Việt Nam) cho rằng: "Hạn hán do trời thì ta chịu nhưng có tỉnh xây đến 20 hồ chứa nước vẫn... hết nước là có vấn đề". Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ thực tế các địa phương "xây hồ chứa đâu cũng được", "quên" đặt các hồ chứa lên cao hơn ở thượng nguồn để ổn định lượng nước về lâu dài. Hạn hán, thiếu nước, theo TS Tứ, một phần còn do hoạt động phát triển nông lâm nghiệp không tuân thủ quy hoạch gây ra. Ví dụ như ở Tây Nguyên, người dân ồ ạt trồng cà phê thì thiếu nước là tất yếu. "không đủ nước để tưới cho kiểu trồng tự phát đó” - TS Tứ nói.
Người dân thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận khoan lòng hồ Ông Kinh tìm nước tưới tiêu. |
Theo ông Iain Menzies - chuyên gia cao cấp về nước và vệ sinh (Ngân hàng thế giới), hạn hán tại Ninh Thuận diễn ra nhiều năm trong quá khứ lẫn tương lai, nhưng vẫn còn tồn tại một diện tích lớn trồng lúa là điều đáng suy nghĩ. “Cây lúa như chúng ta thấy rõ không chỉ năng suất và hiệu quả thấp, phải sử dụng nhiều nước gây lãng phí nhưng nhận thức chuyển đổi cây trồng của nông dân còn chậm” - ông Iain Menzies nói và đặt vấn đề: "Liệu nhà chức trách đã “để ý” đến chi phí bỏ ra xây dựng các hồ chứa với thu nhập từ cây trồng mang lại hay chưa". Ông ví von điều này không khác gì “chúng ta không biết cụ thể mình gửi vào ngân hàng bao nhiêu và lấy ra bao nhiêu”.
Cũng theo ông Iain Menzies, diện tích tưới tiêu sẽ phản ánh được năng lực hồ chứa. Việc thất thoát nước xảy ra là điều dễ hiểu vì địa phương không quản lý được lượng nước vào bao nhiêu, mất bao nhiêu và nước đi về đâu. "Các tỉnh miền Trung đang đối mặt với hạn hán cần phải đo đạc một cách có hệ thống nguồn nước từ hồ chứa đến nơi sản xuất mới hy vọng quản lý tốt được nguồn nước. Và chúng ta khó có đủ năng lực giải quyết khô hạn nếu không quan tâm đến công tác này” - ông Iain Menzies dự báo.
Thay đổi tư duy
Ông Trần Hữu Quang - GĐ Công ty ATC Sunpply (liên doanh giữa Thái Lan - Israel) tại Việt Nam - chia sẻ: "Nếu Ninh Thuận, lượng mưa đạt 700-800mm/năm thì ở Israel chỉ 180mm/năm. Tức là hạn còn khốc liệt hơn mình gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nông dân Israel lại mừng vì đó là "lợi thế" của họ chứ không phải thảm nạn. Họ tái tạo nước sản xuất bằng cách xử lý nước thải sinh hoạt ở thành phố và sử dụng tưới bằng hệ thống đường ống áp suất cao đi hàng trăm km".
Theo ông Quang, trong khi nông dân ta sử dụng nước tưới tiêu không tính toán thì Israel quản lý nguồn nước rất chặt chẽ. Họ không sử dụng kênh hở và nước dẫn đến từng gốc cây trồng, người dân phải trả tiền. Người dân cũng không phải đấu nối đường ống và bơm nước như ta. Ràng buộc đó buộc nông dân phải tư duy, tính toán trồng cây trồng gì là phù hợp. Và họ rất thông minh, cây gì có giá trị năng suất cao họ mới làm. Họ gần như không còn làm lúa nữa. Họ cũng đón đầu thị trường rất giỏi, chỉ làm một vụ vào đúng thời điểm nơi họ định xuất hàng đến "đóng băng" không sản xuất được nông phẩm đó. Kết quả là trên diện tích 400 ha cà rốt, họ thu lại 40 triệu USD, một thu nhập mơ ước.
Đồng quan điểm, TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam - cũng đề xuất nên áp dụng giải pháp tiết kiệm nước bằng công nghệ tưới nhỏ giọt (lượng nước được chia đều đến từng gốc cây) từ Israel, bên cạnh tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu, củi rác... làm than sinh học (có chi phí thấp) cải tạo đất, giúp đất giữ độ ẩm và quy hoạch vùng thích nghi tưới tiêu xen kẽ.