Khai thác quá mức
Bên cạnh rừng, tài nguyên nước của Tây Nguyên cũng được thiên nhiên ưu ái, là nơi khởi phát nhiều hệ thống sông suối lớn chảy xuống đồng bằng ven biển miền Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Campuchia. Mạng lưới sông suối Tây Nguyên thuộc 3 hệ thống sông chính là sông Mê Công, sông Đồng Nai, sông Ba và vùng thượng lưu của các sông Thu Bồn, sông Trà Khúc từ tỉnh Kon Tum chảy xuống Quảng Nam và Quảng Ngãi; sông Cái, sông Lũy chảy xuống Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tổng lượng mưa trung bình ở Tây Nguyên khoảng hơn 81 tỷ m3 nước/năm, trong đó cung cấp cho dòng chảy mặt 50,2 tỷ m3/năm, cho dòng chảy ngầm khoảng 6,6 tỷ m3/năm.
Hồ chứa nước ở xã Ea Ral,huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đã cạn trơ đáy từ cuối tháng 2/2016. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Do đặc trưng cơ bản của các sông suối ở Tây Nguyên là có dạng bậc, nhiều ghềnh thác ở thượng lưu, nên chỉ trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, Tây Nguyên biến thành “đại công trường” xây dựng các dự án thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ tính đến năm 2012, trên các hệ thống sông chính đã có tới 287 dự án thủy điện, với tổng công suất gần 7.000MW. Bình quân mỗi MW điện sản xuất được tại khu vực này đã làm ảnh hưởng đến 4,08 hộ dân, trong đó phải di dời 0,94 hộ và chiếm dụng khoảng 10,53 ha đất các loại. Ngoài ra phải sử dụng hơn 10.371 ha đất để bố trí tái định cư, định canh cho người dân trong vùng dự án.
Do chủ yếu được xây dựng trên các sông, suối có độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt mạnh nên hầu hết các dự án thủy điện (nhất là các dự án vừa và lớn như Plei Krông, Buôn Tua Sarh, Ka Nak và Đồng Nai 3) đã chiếm dụng đất sản xuất của người dân, gây xáo trộn lớn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất và làm suy giảm diện tích đất canh tác cũng như đất rừng trên địa bàn. Mặt khác, trong quá trình tích nước, xả lũ hoặc vận hành phát điện, một số dự án đã gây tác động tiêu cực đối với vùng hạ du. Đặc biệt, việc chuyển nước sang lưu vực khác để phát điện tại các dự án thủy điện An Khê-Ka Nak, Đại Ninh, Đa Nhim và Thượng Kon Tum… gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng ở vùng hạ du thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định.
Một số dự án khác có sơ đồ khai thác kiểu dẫn nước về nhà máy nằm cách xa đập dâng để phát điện, cũng làm hàng trăm ngàn hộ dân sống quanh công trình thiếu nước sinh hoạt và sản xuất quanh năm. Cùng với đó là sự phát triển ồ ạt cây công nghiệp, nhất là diện tích cà phê vượt quá quy hoạch gấp gần 3 lần; cộng với sự gia tăng nhanh chóng dân số cơ học và phát triển công nghiệp đã phá vỡ quy hoạch hệ thống công trình cấp nước và khả năng đáp ứng nguồn nước. Bởi vậy, việc đảm bảo nguồn nước phục vụ phát triển nhanh và bền vững vẫn là điều nan giải ở Tây Nguyên hiện nay.
Giải pháp phù hợp
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, trước thực trạng trên, Tây Nguyên cần tăng cường năng lực cấp nước bảo đảm sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp. Đặc biệt chủ động nguồn nước cho lúa, cây cà phê và các cây trồng chủ lực khác đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tiếp tục tìm kiếm nguồn nước ngầm gắn với tạo nguồn hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; chủ động thực hiện điều tra, quy hoạch tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên, nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên nước hiệu quả, bền vững.
Ưu tiên đầu tư, tu bổ sớm những công trình hồ chứa vừa và lớn để giải quyết cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Hỗ trợ các dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, nhất là đối với rừng đầu nguồn các lưu vực sông để đảm bảo nguồn sinh thủy, chống bồi lắng lòng hồ. Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, nâng cao hệ số sử dụng công trình, đáp ứng nguồn nước cho sản xuất. Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm (đặc biệt là cho cây cà phê). Giải quyết tiêu úng, chống lũ cho các vùng bị ngập úng, đề xuất giải pháp nhằm giảm thiệt hại do lũ gây ra tại các vùng thường xuyên bị ngập lũ.
Tăng cường công tác quản lý nguồn nước nhất là nguồn nước mặt, nước ngầm, được quy định và theo Luật Tài nguyên nước. Ban hành các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong lĩnh vực tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho các loại cây trồng; trong đó có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ tưới nước tiến tiến, tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước và phục vụ sản xuất đạt hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước trữ ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, tính toán nhu cầu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, nước tưới cho cây công nghiệp đối với vùng thật sự cần thiết, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt.