Tại tọa đàm triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam" vừa được Bộ Xây dựng, Vnrea tổ chức mới đây, Chủ nhiệm đề tài, TS.LS. Đoàn Văn Bình cho biết, nhà ở vừa túi tiền là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nhà ở bình dân gần như không xuất hiện trên thị trường BĐS, khiến giấc mơ "an cư lạc nghiệp" ngày càng xa vời với người lao động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như: Chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, chi phí đầu vào (lãi vay ngân hàng, vật liệu, thiết bị, nhân công) đều tăng cao… khiến các nhà đầu tư mất nhiều thời gian để có thể triển khai một dự án. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở vừa túi tiền.
"Trước thực tế này, việc tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở vừa túi tiền là vấn đề ưu tiên. Với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp BĐS Việt Nam, Vnrea đang nghiên cứu tổ chức hội thảo về đề tài, nhằm ghi nhận những ý kiến góp ý trí tuệ của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học để đề tài được thực hiện hiệu quả, tạo giải pháp tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền trên thị trường, góp phần thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển cân bằng hơn, đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, thị trường BĐS đang đóng băng, trong khi người dân lại cần nhà ở, dẫn đến cả chủ đầu tư và người tiêu dùng đều đang bế tắc. Do đó, thị trường cần tìm ra một lối đi. Với lối đi truyền thống như hiện nay, trên thị trường đa phần là nhà giá cao, chỉ có ít nhà ở xã hội. Do vậy, vấn đề tiếp cận nhà ở có giá hợp lý cho người thu nhập thấp là cần thiết.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung của thị trường BĐS, Vnrea đã thảo luận và thống nhất tìm thêm hướng đi mới cho phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, trên cơ sở làm rõ tính chất "thị trường - xã hội", vận hành theo thị trường, do các doanh nghiệp đầu tư thu lợi nhuận ở mức độ hợp lý dưới sự kiểm soát của Nhà nước, không phải là phi lợi nhuận.
Còn GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, việc triển khai đề tài là cơ hội tốt để "mổ xẻ" về vấn đề nhà ở và giá nhà ở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đề tài nếu đánh giá được về vấn đề chi phí trung gian, chi phí không chính thức, chi phí cơ hội có phải là những yếu tố đẩy giá nhà lên hay không, sẽ phục vụ tốt cho sự phát triển của thị trường BĐS. Muốn có nhà ở giá phù hợp cần giải quyết nhu cầu chính là để ở thì yếu tố tài sản tích lũy cần được giảm đi...
“Khi nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế, điều quan trọng là đánh giá được tác động, vì không phải chính sách nào cũng thành công do môi trường, điều kiện ở mỗi nước khác nhau. Nhìn nhận cần sâu hơn, theo sát khung khổ lý thuyết của nghiên cứu về các chiều cạnh chính sách có thể tác động đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Bên cạnh đó, cần đánh giá được hiệu lực, hiệu quả của chính sách, cũng như mô hình tổ chức thực thi ở Việt Nam, vấn đề mà lâu nay Việt Nam còn yếu”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh...
Vì vậy, đề tài "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam" nên có nghiên cứu về các mô hình phát triển nhà ở, tạo ra một mô hình phát triển ở các phân khúc khác nhau, cho những đối tượng dân cư khác nhau với tiềm năng tài chính khác nhau. Với tiềm năng tài chính thấp thì chúng ta có chính sách để hỗ trợ, trợ giúp người dân tiếp cận có được nhà ở cho mình. Đề tài cũng nên bổ sung các chính sách phòng ngừa việc đầu cơ, đầu tư từ phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền...
Vnrea là đơn vị tổ chức thực hiện đề tài sẽ tiếp thu góp ý của các chuyên gia và hoàn thiện đề cương, triển khai nghiên cứu theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ và chất lượng, để đề tài thực sự đem lại những đóng góp tích cực cho sự phát triển của thị trường nhà ở và bất động sản Việt Nam. Dự kiến, thời gian tổ chức hội thảo vào tháng 10/2024.