Với chiều dài bờ biển gần 200 km, Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước và là nơi có điều kiện thuận lợi, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, đặc biệt nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản.
Nhằm nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ, những năm qua, ngư dân tỉnh Bình Thuận đã huy động các nguồn vốn đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, làm dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế hải sản trên biển. Tỉnh còn đẩy mạnh thành lập nhiều nghiệp đoàn nghề cá để tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân bám biển, gắn kết ngư dân cùng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Những mẻ cá được chuyển lên bờ tại cảng cá Phan Thiết (Bình Thuận). |
Bà Lê Thị Bạch Phượng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Những năm qua, các nghiệp đoàn nghề cá đã là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và ngư dân, luôn tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến tận ngư dân nhằm giúp họ hiểu và chấp hành triệt để, nhất là các chính sách cho ngư dân. Đến nay, toàn tỉnh có 4 nghiệp đoàn nghề cá tập trung được thành lập tại thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Tuy Phong và huyện đảo Phú Quý.
Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 (thành phố Phan Thiết) được thành lập sớm nhất trong tỉnh, đã thể hiện rõ sức mạnh, sự đoàn kết trên Biển Đông của ngư dân, giúp ngư dân Phan Thiết vững tin vươn khơi đánh bắt và yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. Đây được xem như mái ấm thứ hai của ngư dân, trong “mái nhà chung”, mỗi ngư dân là thành viên cùng chia sẻ với nhau từng luồng cá và đùm bọc nhau những lúc gặp thiên tai, hoạn nạn trên biển.
Ngư dân Trần Đăng, Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 chia sẻ: Gia nhập nghiệp đoàn nghề cá là mong muốn của những người đi biển, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, ngư dân đã đầu tư lưới cụ, nâng cấp công suất tàu để vươn khơi, ngư dân ra khơi và về theo đoàn, liên lạc với nhau, tạo sự liên kết, đem lại hiệu quả lớn cho ngư dân đánh bắt ở các ngư trường. Bên cạnh đó, nghiệp đoàn còn giúp ngư dân hiểu hơn về Luật Biển quốc tế, nhờ vậy mà bà con yên tâm bám biển.
Bên cạnh nghiệp đoàn nghề cá, từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã thành lập 625 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Đây là mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn khi có sự cố trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ, an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. Các tàu cá của nghiệp đoàn khi ra khơi luôn tuân thủ và chấp hành việc trình báo với Trạm kiểm soát cửa khẩu biên phòng, tự giác trang bị đầy đủ áo phao, đăng ký, đăng kiểm, không mang tính đối phó.
Nhờ có nghiệp đoàn và tổ đoàn kết đánh bắt trên biển làm cầu nối, đến nay các tàu cá Bình Thuận bước đầu duy trì tốt mối quan hệ giữa chủ tàu và đoàn viên, thể hiện tình cảm đùm bọc, tương trợ tốt hơn, việc chia thu nhập sau mỗi chuyến đi biển có sự công khai, rõ ràng; lao động trên các tàu cũng ổn định hơn trước. Nhiều chủ tàu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho đoàn viên, tặng sổ tiết kiệm cho đoàn viên gặp khó khăn và cấp học bổng cho học sinh là con em ngư dân nghèo...
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đảng ủy, sở, ban, ngành, đoàn thể tập trung thực hiện có hiệu quả việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá, làm chuyển biến tốt hơn nữa nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của tổ chức này, góp phần giữ vững trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
Cũng theo bà Lê Thị Bạch Phượng, để đẩy mạnh phát triển đoàn viên và thành lập nghiệp đoàn nghề cá cũng như tăng cường sự hỗ trợ với ngư dân, các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền các chính sách pháp luật về biển đến ngư dân. Công đoàn cũng đề nghị hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá giúp giảm chi phí ra khơi. Bên cạnh đó, kêu gọi các tập thể cá nhân tham gia ủng hộ, hỗ trợ các nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân. Dự kiến đến cuối tháng 7 này, tỉnh sẽ thành lập thêm một nghiệp đoàn tại thị xã La Gi, phấn đấu đến năm 2015, tỉnh có từ 10 - 12 nghiệp đoàn nghề cá, tạo sức mạnh tập thể trong khai thác, cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Nguyễn Thanh