Một số hộ dân ở vùng lòng hồ thủy điện Thác Mơ thuộc khu vực các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, thị xã Phước Long sống chủ yếu dựa vào khai thác và đánh bắt thủy sản trong tự nhiên. Tuy nhiên, việc khai thác, đánh bắt theo phương thức này thu nhập cho bấp bênh do nguồn thủy sản trong tự nhiên ngày càng ít. Việc khai thác quá mức, thậm chí theo kiểu tận diệt như dùng xung điện, chất nổ… dẫn đến lượng cá ngày càng giảm.
Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách pháp luật về việc nghiêm cấm sử dụng các phương tiện đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, người dân sống khu vực lòng hồ thủy điện Thác Mơ đã ý thức khai thác, nuôi trồng theo hướng bền vững.
Gia đình anh Nguyễn Văn Lời tại xóm Việt kiều thuộc xã Đức Hạnh (huyện Bù Gia Mập) gắn bó nghề cá hơn 20 năm. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, anh đã không sử dụng vật dụng đánh bắt tận diệt. Anh chuyển sang nuôi lồng bè, chủ yếu nuôi cá lăng vàng, lăng nha, cá lóc...
Theo anh Nguyễn Văn Lời, bà con ở đây rất ít nuôi cá lồng bè, thu nhập bấp bênh, nhất vào mùa mưa, gió mạnh, đánh bắt rất khó khăn. Sau khi chuyển sang mô hình nuôi cá lồng bè, đến nay, bà con có nguồn thu nhập ổn định hơn trước.
Ông Trương Văn Lòng ở xã Đức Hạnh là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi từ đánh bắt tự nhiên trên lòng hồ sang nuôi bằng lồng bè. Sau khi chuyển sang nuôi cá lồng bè, nguồn thu nhập của gia đình ông Lòng dần ổn định hơn trước. Việc khai thác, sử dụng các dụng cụ bắt cá trọn ổ không còn nữa, người dân nuôi cá lồng bè và khai thác đúng theo quy định pháp luật.
Không chỉ anh Nguyễn Văn Lời, ông Trương Văn Lòng, nhiều hộ khác có cuộc sống ổn định hơn nhờ chuyển đổi phương thức nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác thủy sản.
Tại khu vực lòng hồ thủy điện Thác Mơ, hình ảnh đánh bắt tận diệt không còn xuất hiện; thay vào đó những ánh đèn dùng năng lượng bằng ắc quy treo trên vó mỗi tối thu hút nhiều côn trùng đậu xung quanh và dẫn dụ các loại cá nhỏ như, cá sơn, lòng tong, tép... mắc bẫy. Đặc biệt cá sơn là nguồn thức ăn chủ yếu các hộ dân nuôi cá lồng bè sử dụng, từ đó giảm chi phí đầu tư và mang lại nguồn thu cao hơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh Lê Thị Hương, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền cho các hộ dân quy định về nuôi trồng thủy sản; qua đó, bà con không dùng thuốc nổ, xung kích điện...đánh bắt. Lực lượng Công an xã tuần tra, kiểm tra tình trạng đánh bắt trái phép hoặc xung kích điện để có hướng xử lý, tuyên truyền không tái phạm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước hỗ trợ giống cá cũng như kỹ thuật để bà con nuôi trồng, góp phần ổn định cuộc sống trên khu vực lòng hồ.
Cùng với tuyên truyền pháp luật nghiêm cấm sử dụng phương tiện đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt, chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ thường xuyên vệ sinh lồng bè, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 16 tổ nghề cá cộng đồng quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản với khoảng 1.000 lao động hoạt động về nuôi và khai thác thủy sản trên các hồ chứa. Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Phước đang tập trung chương trình, dự án nhằm hỗ trợ các làng bè, tăng cường hỗ trợ phát triển nguồn lợi thủy sản, mô hình tổ nghề nuôi cá lồng bè theo hướng liên kết sản xuất từ khâu cung ứng con giống, nuôi thương phẩm đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định, cải thiện thu nhập cho ngư dân.