Người dân ở đâu phải trả nhiều tiền nhất để mua năng lượng sau khi chiến sự Ukraine bùng phát

Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu bị đứt gẫy. Người Hong Kong (Trung Quốc) phải mua xăng với giá đắt nhất, trong khi người Hà Lan phải trả tiền nhiều nhất để mua khí đốt tự nhiên.

Theo trang oilprice.com ngày 6/12, giá xăng, điện và khí đốt tự nhiên tăng vọt khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, làm đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Các hộ gia đình và doanh nghiệp đang phải trả những hóa đơn năng lượng cao hơn trong bối cảnh giá cả biến động mạnh. Tình hình bấp bênh xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng lớn và dự đoán chi phí sưởi ấm mùa đông sẽ tăng cao.

Visual Capitalist đã so sánh giá năng lượng mà các hộ gia đình ở các quốc gia, khu vực phải trả, dựa trên dữ liệu từ GlobalPetrolPrices.com.

Người Hong Kong phải mua xăng với giá đắt nhất

Chú thích ảnh
Giá xăng được niêm yết tại trạm xăng ở Alhambra, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Với mức trung bình 69.000 đồng/lít, các hộ gia đình ở Hong Kong (Trung Quốc) phải trả tiền xăng cao nhất thế giới. Đây là mức cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Cả thuế xăng và chi phí liên quan cao đều là những yếu tố chính khiến giá xăng ở Hong Kong cao.

Giống Hong Kong, Cộng hòa Trung Phi có giá xăng cao, ở mức 54.000 đồng/lít. Là nước nhập khẩu ròng xăng dầu, quốc gia này đã phải chịu áp lực tăng giá kể từ sau xung đột ở Ukraine.

Các hộ gia đình ở Iceland, Na Uy và Đan Mạch phải trả chi phí xăng cao nhất ở châu Âu. Nhìn chung, châu Âu đã chứng kiến lạm phát chạm mốc 10% trong tháng 9 do khủng hoảng năng lượng.

Người châu Âu trả hóa đơn điện cao nhất

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: energynews

Biến động mạnh cũng đang xảy ra với giá điện.

Phần lớn giá điện hộ gia đình cao nhất là ở châu Âu. Tại Đan Mạch, Đức và Bỉ, giá điện cao gấp đôi so với ở Pháp và Hy Lạp. Giá điện ở nhiều quốc gia châu Âu cao hơn gấp đôi hoặc ba so với mức trung bình toàn cầu là 0,14 USD mỗi kilowatt giờ.

Trong quý đầu tiên của năm 2022, giá điện hộ gia đình ở Liên minh châu Âu đã tăng 32% so với năm trước.

Tại Mỹ, giá điện tiêu dùng đã tăng gần 16% hàng năm so với tháng 9 năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong hơn 4 thập kỷ và đẩy lạm phát cao hơn.

Tuy nhiên, các hộ gia đình Mỹ chịu ít tác động hơn từ tình trạng gián đoạn nguồn cung do Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng.

Người Hà Lan phải trả tiền nhiều nhất để mua khí đốt tự nhiên

Chú thích ảnh
Trạm trung chuyển khí đốt ở Hajduszoboszlo, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN

Tám trong số 10 quốc gia có giá khí đốt tự nhiên cao nhất toàn cầu đều nằm ở châu Âu, trong đó Hà Lan đứng đầu. Nhìn chung, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng gấp sáu lần trong một năm kể từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Tin tốt là mùa thu tương đối ấm áp đã giúp nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu giảm 22% trong tháng 10 so với năm ngoái. Điều này giúp giảm nguy cơ thiếu khí đốt xảy ra vào cuối mùa đông.

Bên ngoài châu Âu, Brazil có giá khí đốt tự nhiên cao thứ tư trên toàn cầu, mặc dù nước này sản xuất khoảng một nửa nguồn cung trong nước. Chi phí khí đốt dùng để nấu ăn đang ở mức cao là thách thức đặc biệt đối với các gia đình có thu nhập thấp. Điều này đã trở thành một vấn đề chính trị quan trọng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10/2023.

Trong khi đó, Singapore có giá khí đốt tự nhiên cao nhất ở châu Á vì phần lớn được nhập khẩu thông qua đường ống hoặc tàu chở dầu, khiến nước này dễ bị tổn thương trước những cú sốc giá.

Cạnh tranh gia tăng

Tháng 12, tất cả các chuyến tàu vận chuyển dầu thô bằng đường biển từ Nga đến châu Âu sẽ dừng lại, có khả năng đẩy giá xăng dầu tăng vào mùa đông và năm 2023.

Phân tích liên quan từ EIA cho thấy khả năng lưu trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu có thể giảm xuống 20% vào tháng 2/2023 nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn và nhu cầu không giảm.

Khi châu Âu tìm các giải pháp thay thế năng lượng Nga, nhu cầu cao hơn có thể làm tăng cạnh tranh toàn cầu đối với các nguồn nhiên liệu, đẩy giá năng lượng lên cao trong những tháng tới.

Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu lạc quan: Ngân hàng Thế giới dự đoán giá năng lượng sẽ giảm 11% vào năm 2023 sau khi đã tăng 60% kể từ xung đột ở Ukraine năm 2022.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Xung quanh chuyến thăm Saudi Arabia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Xung quanh chuyến thăm Saudi Arabia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Saudi Arabia đặt mục tiêu tăng cường thương mại với Trung Quốc và thảo luận về an ninh khu vực khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Riyadh, trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và Mỹ ngày càng rạn nứt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN