Theo Sputnik, mức giá trần 60 USD mà G7 áp dụng đối với dầu thô của Nga chính thức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12. Động thái này cũng đã đẩy giá dầu tăng 3%. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cho rằng đây mới chỉ là khởi đầu của việc tăng giá xăng dầu.
Tiến sĩ Mamdouh G. Salameh, một nhà kinh tế học chuyên về ngành dầu quốc tế, nhận định: “Việc phương Tây áp giá trần đối với dầu thô của Nga là không khả thi. Cơ chế này chắc chắn sẽ thất bại. Cả Nga, thị trường dầu mỏ toàn cầu và OPEC+ sẽ phản đối nó. Nga đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào thực hiện giới hạn giá. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng trên thị trường và giá dầu tiếp tục tăng. Giá dầu Brent có thể tăng lên 100 - 110 USD/thùng trước cuối năm nay”.
Tương tự, giá dầu thô Brent được Ngân hàng Mỹ (BofA) dự đoán đạt 110 USD/thùng vào năm 2023. BofA đã cảnh báo về những rủi ro có thể gây sức ép lên giá năng lượng. BofA lý giải việc Nga từ chối bán dầu cho bất kỳ bên tham gia áp giá trần có thể dẫn đến việc xuất khẩu dầu thô giảm tới một triệu thùng mỗi ngày. Rõ ràng, điều này có thể khiến 1 thùng dầu Brent đắt thêm 20 - 25 USD.
Bên cạnh đó, tình trạng gián đoạn nguồn cung có thể xảy ra khi các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) quyết định cắt giảm sản lượng chung, từ đó làm cho những vấn đề mà thị trường năng lượng thế giới đang phải đối mặt càng thêm trầm trọng.
Theo chuyên gia Salameh, ngoại trừ Nga, các thành viên OPEC+ đều mong chờ việc giá dầu Brent tăng từ 100 USD trở lên. Họ cần giá dầu tăng để cân bằng ngân sách của mình. Ông dự báo nhóm này sẽ đánh giá phản ứng của thị trường đối với mức giá trần và sau đó hành động.
Ngày 4/12, 23 nước sản xuất dầu mỏ đã nhóm họp để thảo luận về hướng đi của chính sách sản lượng. Họ đã nhất trí tuân thủ chính sách hiện tại là giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.
Tom Luongo, nhà bình luận tài chính và chính trị, nhận xét: “Giá dầu chắc chắn tăng. Vì vậy, vào năm 2023, hãy chờ đợi một làn sóng lạm phát lớn khác do giá năng lượng tăng, tình trạng thiếu lương thực thực phẩm và Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế gây sức ép lên giá kim loại”.
Lý giải vì sao cơ chế áp giá trần của phương Tây đối với dầu Nga sẽ thất bại, ông Salameh cho rằng Nga không thiếu khách mua dầu. Hơn thế nữa, quốc gia này sở hữu đội tàu chở dầu hùng mạnh đến mọi nơi trên thế giới. Nga không cần sử dụng các công ty vận tải cũng như công ty bảo hiểm của phương Tây. “Khách hàng của Nga sẽ tự chi trả phí bảo hiểm cho những chuyến hàng nhập khẩu dầu. Ngay cả khi Nga bán ít dầu hơn, doanh thu của nước này cũng không bị suy giảm vì giá dầu đã tăng cao hơn”, nhà kinh tế tiếp tục giải thích.
Kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô Nga của G7 phần lớn phụ thuộc vào việc cấm vận các công ty vận tải và bảo hiểm. Các công ty này sẽ không được phép cung ứng dịch vụ cho Nga nếu như Moska không nhất trí bán dầu thô với giá dưới 60 USD/thùng.
Về phần mình, Moskva nhiều lần thể hiện rõ họ sẽ không khuất phục trước yêu cầu của G7 và sẽ tự dùng tàu chở dầu và công ty bảo hiểm của riêng mình.
Vào tháng 5, Rosneft và Gazprom Neft - hai nhà sản xuất dầu lớn của Nga - bắt đầu tăng các đơn đặt hàng tàu chở dầu từ Sovcomflot, công ty vận tải biển lớn nhất của Nga. Không chỉ vậy, theo các phương tiện truyền thông phương Tây, Moskva yêu cầu mua thêm 100 tàu. Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Nga (RNRC) và IPJSC Ingosstrakh được cho là sẽ trở thành những nhà bảo hiểm chính cho các hãng vận tải dầu của Nga.
“Bản đồ phân phối dầu trên toàn cầu sẽ thay đổi. Phần năng lượng chảy về phía tây giờ sẽ chảy về phía đông và nam. Đường ống ESPO sẽ được sử dụng hết công suất khi nhu cầu từ Đông Nam Á tăng lên. Trung Quốc và Ấn Độ đã lấp đầy khoảng trống. Dầu của Nga sẽ được trộn ở Bahamas hoặc các cảng lưu trữ khác và sau đó được gửi trở lại các nhà máy lọc dầu của EU”, ông Salameh nói.
Theo vị chuyên gia này, Nga có thể trở thành người chiến thắng cuối cùng trong khi EU sẽ là kẻ thua cuộc trong cuộc chiến năng lượng, khi cuộc sống của người dân châu Âu đang trên đà lao dốc và nền kinh tế của khối trên bờ vực suy thoái nghiêm trọng.
Salameh cho rằng EU đã trở thành con mồi cho kế hoạch địa chính trị của Washington. Ông chỉ ra Mỹ châm ngòi cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, không những âm mưu làm suy yếu Moskva và phá vỡ quan hệ song phương Nga - Trung, mà còn chia rẽ khối đoàn kết EU.
Suranjali Tandon, trợ lý giáo sư tại Viện Chính sách và Tài chính Công Quốc gia có trụ sở tại Delhi (Ấn Độ), cho rằng sáng kiến áp giá trần của G7 có thể có tác động tiêu cực hơn nữa đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo bà, giá dầu tăng cao có thể dẫn đến những khó khăn chính trị cho các quốc gia đang đối phó với sự gia tăng bất bình đẳng và cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đồng thời, hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay lấy phương Tây làm trung tâm có thể khiến các nước thứ 3 rời xa tiền tệ của các nước G7.
Thêm vào đó, sự chia rẽ trong khối châu Âu có thể sẽ gia tăng. Lãnh đạo ở các quốc gia châu Âu sẽ đối mặt với những nghi vấn từ các cử tri khi chính sách năng lượng của Brussels không nhất quán, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng năng lượng bủa vây Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Những rạn nứt đầu tiên đã xuất hiện tại EU khi các cuộc biểu tình lẻ tẻ nổ ra gần đây trên khắp "Lục địa già". Những người tham gia biểu tình kêu gọi chính phủ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt năng lượng đối với Nga.
“Giá năng lượng cao hơn sẽ gây căng thẳng chính trị khi người tiêu dùng và các ngành công nghiệp trong nước yêu cầu ổn định giá cả. Điều này có thể trở nên trầm trọng hơn vì tác động đối với mỗi quốc gia là khác nhau. Những nước như Hy Lạp và Đức, chiếm tỷ trọng lớn trong dịch vụ vận chuyển, có thể bị mất doanh thu do hoạt động xuất khẩu dầu Nga sang EU giảm”, chuyên gia Tandon kết luận.