Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến Saudi Arabia vào ngày 7/12, trong chuyến công du kéo dài 3 ngày để tổ chức hội đàm với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia. Ba hội nghị quan trọng sẽ diễn ra trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình: Hội nghị song phương cấp cao Saudi Arabia - Trung Quốc và 2 hội nghị về về hợp tác và phát triển vùng Vịnh tại Riyadh. Theo hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA), hơn 30 nhà lãnh đạo và quan chức của hai nước cũng như các tổ chức quốc tế sẽ tham gia các sự kiện này.
Nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược
SPA cho biết thêm, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình phản ánh mong muốn của các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và Trung Quốc nhằm củng cố mối quan hệ song phương, nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược và phát huy tiềm năng hợp tác chính trị, kinh tế để phục vụ lợi ích chung của họ.
Hơn 20 thỏa thuận sơ bộ giữa hai nước, trị giá hơn 29 tỷ USD, sẽ được ký kết trong chuyến thăm trên của ông Tập Cận Bình, cùng với việc kí thỏa thuận đối tác chiến lược và kế hoạch nhằm hiện thực hóa chương trình “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia và đa dạng hóa dự án này với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Saudi Arabia đặt mục tiêu xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ với Trung Quốc để hỗ trợ thương mại và đầu tư. Vương quốc này là nước nhận đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào thế giới Arập từ năm 2005 đến năm 2020, chiếm hơn 20% tổng đầu tư của khu vực, trị giá 196,9 tỷ USD.
Cụ thể, Saudi Arabia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) và cũng là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu toàn cầu cho Trung Quốc.
Mặc dù Nga đã vượt qua Saudia Arabia về xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc bằng cách giảm giá dầu, quốc gia Arập này đã khôi phục vị thế của mình thông qua xuất khẩu 7,53 triệu tấn dầu trong tháng 10/2022 để giành lại vị trí nhà xuất khẩu dầu lớn nhất cho Trung Quốc.
Năm 2021, dầu của Saudi Arabia chiếm 17,4% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, trị giá 35,5 tỷ USD. Điều này diễn ra khi nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 20 năm do đại dịch COVID-19.
Đầu tháng 10 năm nay, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman và Tổng Giám đốc năng lượng quốc gia Trung Quốc, Zhang Jianhua, đã thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác và quan hệ song phương trong lĩnh vực năng lượng.
Mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với Saudi Arabia không chỉ giới hạn trong lĩnh vực năng lượng, vì cả hai nước đều có các hoạt động xuất nhập khẩu phi dầu mỏ mạnh mẽ. Theo cơ sở dữ liệu Comtrade của Liên hợp quốc về thương mại quốc tế, xuất khẩu của Trung Quốc sang Saudi Arabia lên tới con số khổng lồ hơn 30 tỷ USD vào năm 2021, trong đó thiết bị điện và điện tử trị giá 4,39 tỷ USD, tiếp theo là máy móc, lò phản ứng hạt nhân,... trị giá 3,20 tỷ USD.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thiết bị điện tử, thiết bị truyền dẫn cho điện thoại vô tuyến, tivi, máy ảnh và điện thoại không dây chiếm 1,85 tỷ USD, một dấu hiệu rõ ràng về sự hiện diện ngày càng tăng của các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc như One Plus, Huawei, Poco, Realme và Vivo tại Vương quốc này.
Yếu tố Mỹ và sự điều chỉnh chính sách của Saudi Arabia
Theo hãng tin Reuters, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman dự kiến sẽ "trải thảm đỏ" đón tiếp ông Tập Cận Bình, điều mà các nhà ngoại giao trong khu vực cho rằng có thể trái ngược hoàn toàn với sự tiếp đón thầm lặng dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 7.
Lo ngại với những gì họ coi là sự rút lui của Mỹ khỏi Trung Đông và việc chính quyền Biden chỉ trích về nhân quyền, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này đang định hình lại chính sách đối ngoại của mình để phản ánh thực tế mới trong cán cân quyền lực toàn cầu.
Trước đây, Thái tử Saudi Arabia Mohammed đã chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế hành động của Saudi Arabia, đặc biệt liên quan đến cuộc chiến ở Yemen và dường như hoan nghênh cách tiếp cận giao dịch của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Khi ông Trump đến Saudi Arabia vào năm 2017, Thái tử Mohammed đã thể hiện sự nồng nhiệt trong mối quan hệ của họ bằng một buổi lễ chào đón xa hoa mà các nhà ngoại giao cho biết dự kiến sẽ giống như buổi lễ mà ông sẽ chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc lần này. Ông Trump khi đó rời Riyadh với hơn 100 tỷ USD hợp đồng quốc phòng. Phái đoàn Trung Quốc trong tuần này dự kiến sẽ ký các thỏa thuận trị giá gần 30 tỷ USD với Saudi Arabia.
Mỹ, trong nhiều thập kỷ là nhà bảo đảm an ninh chính của Saudi Arabia và vẫn là nhà cung cấp quốc phòng chính của nước này, đã bày tỏ lo ngại về sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng nhạy cảm ở vùng Vịnh.
Ngược lại, Trung Quốc coi Saudi Arabia là đối tác chủ chốt của mình ở Trung Đông không chỉ do vấn đề dầu mỏ mà còn do nghi ngờ chung về sự can thiệp của phương Tây, đặc biệt là về các vấn đề như nhân quyền.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 10 cho biết Saudia Arabia là một "ưu tiên" trong chiến lược ngoại giao khu vực và tổng thể của Trung Quốc.
Tuy nhiên, không giống như Mỹ, Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Iran, đối thủ chính trong khu vực của Riyadh, một nhà cung cấp dầu khác cho Trung Quốc, và tỏ ra ít quan tâm đến việc giải quyết các mối quan ngại về chính trị hoặc an ninh của Saudi Arabia trong khu vực.
Mặc dù Trung Quốc đã can dự nhiều hơn vào chính trị toàn cầu trong những năm gần đây, nhưng mối quan hệ của nước này với Saudi Arabia vẫn chủ yếu bắt nguồn từ thương mại. Bên cạnh việc bán dầu, các công ty nhà nước của Saudi Arabia và Trung Quốc có liên doanh trong lĩnh vực lọc dầu và hóa dầu, trong khi Riyadh đang tìm kiếm đầu tư nước ngoài để giúp nước này đa dạng hóa nền kinh tế sang sản xuất, bao gồm cả ô tô và vũ khí.
Các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, bao gồm siêu dự án NEOM trị giá 500 tỷ USD ở phía Tây Bắc, cũng có thể tạo ra cơ hội mới cho các công ty xây dựng Trung Quốc đang ngày càng hoạt động tích cực ở vùng Vịnh.