Tháng 3, “Tháng hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn do Sở Công Thương Hà Nội phát động và tổ chức được kỳ vọng kích thích sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, chương trình này không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Người tiêu dùng hững hờ
Trong suốt một tháng doanh nghiệp (DN) hành động vì quyền lợi người tiêu dùng (NTD), nhiều người dân vẫn không hề hay biết đến chương trình này. Thực tế, chỉ có khoảng 100 DN tham gia, chiếm chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp tại Hà Nội. Chương trình cũng chỉ tổ chức 206 điểm bán hàng - một con số quá ít ỏi so với quy mô dân số và sức mua của người dân Thủ đô. Đó là chưa kể đến nhiều điểm bán hàng chỉ đăng ký tham gia chứ không có động thái nào gọi là “vì quyền lợi NTD”.
Sức mua không được cải thiện trong tháng có nhiều chương trình khuyến mại. |
Đến nay, chưa có thống kê chính thức về sức mua tại các điểm bán hàng tham gia chương trình. Tuy nhiên, tại ba DN chính tham gia chương trình này gồm siêu thị điện máy HC, bệnh viện Medlatec và Công ty dệt kim Đồng Xuân, việc tham gia cũng chỉ mang tính phong trào.
Có mặt tại siêu thị điện máy HC trên đường Giải Phóng một ngày cuối tháng 3, chúng tôi nhận thấy lượng khách đến tham quan, mua sắm không đột biến dù siêu thị có treo biển khuyến mại, giảm giá. Các nhân viên bán hàng đều nhàn rỗi khi chỉ đứng nhìn khách đến ngắm hàng hóa. Bên cạnh lý do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì việc sản phẩm khuyến mại có mức giảm giá không đáng kể cũng khiến NTD chỉ đi xem hàng là chính, chứ không đưa ra quyết định mua. Tại các điểm bán hàng của Công ty dệt kim Đông Xuân cũng có tình trạng tương tự.
Tại một số điểm bán hàng đăng ký tham gia tháng hành động vì NTD, nhân viên bán hàng cũng đã cung cấp thông tin cho NTD biết về những ưu đãi mà DN dành cho mình. Tuy nhiên, khó có thể nhận thấy sự khác biệt giữa chương trình giảm giá, ưu đãi này với các chương trình giảm giá khác mà DN vẫn thường đưa ra trong năm.
Chính vì vậy, NTD đã cảnh giác hơn nhiều với hai từ “khuyến mại” của DN. Với chiêu nâng giá sản phẩm lên để “khuyến mại” hạ giá xuống, các DN đã khiến không ít khách hàng bức xúc. Anh Nguyễn Anh T (quận Hoàng Mai) nói: “Tôi vừa xem một chiếc điện thoại giảm giá, nhưng giá bán vẫn không thấp hơn ở bên ngoài. Vì thế, dù có trưng biển vì quyền lợi NTD thì tôi vẫn không tin”.
Hiện chưa có cuộc khảo sát nào tính toán có bao nhiêu người dân biết đến tháng hành động vì NTD nhưng sự giảm nhiệt của tháng này thì thấy rõ. Không còn cảnh xếp hàng hay chen lấn mua hàng mà thay vào đó là cảnh tượng đìu hiu, vắng vẻ tại các siêu thị, điểm mua sắm trên khắp địa bàn thành phố.
“Nặng” về hình thức
Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, các chương trình vì NTD hiện còn nặng về hình thức, “khua chuông gõ trống” là chính mà chưa thực sự vì quyền lợi của NTD. Theo ông Phú, hành động vì quyền lợi NTD không chỉ giới hạn ở việc khuyến mại, giảm giá mà phải hướng đến nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng phục vụ khách hàng. “Hành động vì quyền lợi NTD phải diễn ra liên tục trong cả năm chứ không phải dồn vào một tháng như vậy. Những bất cập trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD đã diễn ra lâu nay và nếu không thay đổi cách làm thì còn rất lâu nữa quyền lợi NTD mới được bảo đảm”, ông Phú nhận định.
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã đi vào cuộc sống 2 năm nay, tuy nhiên, luật này mới chỉ chi phối được những hoạt động thương mại lớn. Còn các giao dịch mua bán nhỏ lẻ của người dân thì vẫn chưa được bảo vệ. NTD như lạc vào “ma trận hàng hoá” với đủ loại thượng vàng hạ cám mà khó phân biệt được tốt xấu. Trong khi đó, Hội Bảo vệ NTD thì không có nhiều quyền lực để bảo vệ được NTD.
Qua 4 năm tổ chức cho thấy, chương trình “Tháng hành động vì quyền lợi NTD” ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Ðể chương trình này có sức lan tỏa, hiệu quả cao hơn, chương trình cần có sự đổi mới về cách tổ chức. Đồng thời, ngành Công Thương phải vào cuộc để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng - hiện tượng đã từng xảy ra trong các chương trình khuyến mại. Theo ông Vũ Vinh Phú, những người có trách nhiệm bảo vệ NTD mà còn tiêu cực, vi phạm pháp luật thì càng làm mất niềm tin của NTD.
Ông Nguyễn Hoàng Duy, Giám đốc siêu thị điện máy HC cũng kiến nghị Sở Công Thương và Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác truyền thông, kiểm soát hàng giả, hàng nhái để chương trình khuyến mại thực sự thu hút được sự quan tâm của NTD.
Bài và ảnh: Hoàng Dương