Nguyên nhân diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới

Có thể thấy rõ trong thời gian qua, lý do khiến giá dầu thoát đáy, tăng từ 30 lên 40 USD/thùng, là nhờ những động thái ngoại giao của "vị tướng" năng lượng Nga Alexander Novak.

Hy vọng giá dầu tiếp tục đà phục hồi trong những tháng tới một lần nữa lại chỉ là hy vọng, sau khi ngày 14/3, giá một thùng dầu thô Brent lại giảm xuống mức dưới 40 USD/thùng. Chuyến thăm Tehran của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cùng tin đồn về việc hủy bỏ cuộc gặp trong tháng 3 này giữa đại diện các nước xuất khẩu dầu mỏ tại Moskva là nguyên nhân của hiện tượng này.

Có thể thấy rõ trong thời gian qua, lý do khiến giá dầu thoát đáy, tăng từ 30 lên 40 USD/thùng, là nhờ những động thái ngoại giao của "vị tướng" năng lượng Novak, ít nhiều đã tạo ra những kỳ vọng về cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp đại diện các tập đoàn năng lượng Nga hồi đầu tháng 3 vừa qua cho biết Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak đã và đang nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sự ổn định thị trường năng lượng toàn cầu.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. THX-TTXVN

Trước đó, vào giữa tháng 2/2016, Nga đã bàn thảo với Arab Saudi, Qatar và Venezuela về việc duy trì sản lượng dầu trong năm 2016 bằng mức khai thác của tháng 1/2016, với điều kiện sáng kiến ​​này phải được các nước OPEC khác, trong đó có Iran, ủng hộ. Và thực tế cho thấy giá dầu đã tạm thời ngừng rớt giá, đóng băng ở mức giá 30-41USD/thùng, trong bối cảnh chờ đợi các nước xuất khẩu dầu mỏ thảo luận về sáng kiến của Nga.

Ngày 13/3, giá dầu vẫn đứng ở mức trên 40 USD/thùng, một phần nhờ kỳ vọng về cuộc gặp giữa 4 nhà xuất khẩu dầu quan trọng (Nga, Arab Saudi, Qatar và Venezuela). Tuy nhiên, đại diện 4 quốc gia này dường như không thể thống nhất được thời gian cũng như địa điểm gặp mặt. Phát biểu trên kênh truyền hình "Nước Nga 24" hồi đầu tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Novak cho biết Nga đang tiếp tục tham vấn với các nước, trong đó cũng sẽ xác định ngày giờ và địa điểm nhóm họp. Tuy nhiên đã nửa tháng trôi qua, song các nước vẫn chưa thể vượt qua bước đi đầu tiên là xác định chính xác thời điểm gặp mặt. Hiện xuất hiện thông tin, cho rằng cuộc gặp quan trọng trên có thể diễn ra trong khoảng từ 20/3 đến 1/4. Các bên cũng đang xem xét các địa điểm khác nhau để gặp gỡ như Doha, Vienna, hoặc Nga, tuy nhiên cả vấn đề này cũng chưa có quyết định sau cùng. 

Vốn là mặt hàng nhạy cảm, giá dầu đã lập tức giảm, sau khi xuất hiện thông tin cho biết các nhà xuất khẩu dầu mỏ sẽ không gặp gỡ trong tháng 3 này. Cuộc gặp giữa các nước OPEC và ngoài OPEC để bàn về đóng băng sản lượng khai thác có thể diễn ra tại Doha vào giữa tháng 4 tới.

"Báo Độc lập" (Nga) cho rằng chỉ riêng vấn đề thời gian và địa điểm nhóm họp của 4 nước xuất khẩu dầu quan trọng đã làm rối loạn thị trường thế giới, trong khi vấn đề chính là đóng băng sản lượng còn chưa được đề cập đến.

Nguồn tin từ Trung tâm Phát triển Sergey Pukhov cho biết: cuối tháng 2, sản lượng dầu ở Mỹ đã giảm xuống còn 9,1 triệu thùng/ngày, từ mức tối đa 9,6 triệu thùng/ngày hồi tháng 6/2015. Tuy nhiên, ngay việc giảm mạnh sản lượng cũng đã không ảnh hưởng đến giá dầu. Bởi thực tế, việc giảm sản lượng dầu của Mỹ lại được bù đắp bằng sản lượng dầu tăng ở Iran. Trong tháng 3, xuất khẩu dầu của Iran đã tăng lên 1,8 triệu thùng/ngày. Theo kế hoạch chính thức, trong năm tới, Iran dự định tăng sản lượng dầu từ mức hiện tại lên đến 2,8-4 triệu thùng/ngày.

Phát biểu tại Tehran ngày 14/3, Bộ trưởng Novak cho rằng Iran có thể tăng sản lượng dầu trong khuôn khổ thỏa thuận giữa các nhà sản xuất lớn nhất, để ổn định thị trường dầu mỏ. Ông khẳng định các nhà sản xuất chính cần phối hợp với nhau. Tuy nhiên, Nga hoàn toàn hiểu được mong muốn của Iran - tăng sản lượng và phục hồi thị phần trong thị trường toàn cầu, vốn bị hạn chế bởi các biện pháp trừng phạt. Ông cũng khẳng định Iran có thể đi theo con đường riêng nhằm tiếp tục mở rộng khai thác, song Nga, Arab Saudi, Qatar và Venezuela sẽ thống nhất hợp tác mà không cần sự tham gia của Iran.

Chưa rõ rồi kết cục câu chuyện bắt tay giữa các nhà sản xuất chính đi về đâu, song theo ghi nhận của báo chí Nga, giá dầu đã giảm gần 3% chỉ trong ngày đầu tuần qua.

TTXVN/Tin Tức
Mỹ cấm khoan dầu mỏ tại Đại Tây Dương
Mỹ cấm khoan dầu mỏ tại Đại Tây Dương

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/3 tuyên bố sẽ không cấp phép cho các hoạt động khoan thăm dò dầu mỏ tại vùng biển Đại Tây Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN