Những ngày này, trên sông Cái Bé, đoạn thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang), tàu cá đánh bắt xa bờ neo đậu dày đặc hai bên bờ sông. Nhiều chủ phương tiện cho biết, có rất nhiều tàu nằm bến từ hơn 2 tháng qua và gần như không còn khả năng ra khơi khai thác đánh bắt.
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu do khai thác đánh bắt không hiệu quả, ngư dân thua lỗ nặng. Với số lượng tàu cá đánh bắt dày trên biển như hiện nay thì không thể nào mang lại hiệu quả kinh tế. Ngư dân đang rất khó khăn, buộc lòng phải cho tàu nằm bến”.
Một chủ tàu cá ở thành phố Rạch Giá (đề nghị không nêu tên) có 2 cặp tàu lưới cào đang nằm bến cho hay: “Để ra khơi một cặp tàu lưới cào (chiều dài 25 m/tàu), vốn lưu động chi phí ban đầu 1,1 - 1,2 tỷ đồng cho một chuyến biển. Ngoài ra, vay ngân hàng đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá còn phải trả lãi hàng tháng và những khoản chi phí khác. Đánh bắt không có cá, tôm… thì nợ chồng lên nợ. Mỗi mẻ lưới kéo lên hiện nay, phần lớn là cá con, cá phân, cá tạp và rất ít những loài cá, tôm có giá trị kinh tế cao. Mấy tháng nay rồi, tàu cá của tôi neo tại bến vì thua lỗ nặng, chưa trả được nợ và chưa biết khi nào trở ra biển”.
Tìm hiểu về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Trường, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Thủy sản Kiên Giang nêu 3 nguyên nhân chính. Cụ thể, tàu cá nằm bờ, không ra khơi do khan hiếm, thiếu hụt lao động đi biển; vốn đầu tư ban đầu cho một chuyến biển khá lớn và rất nhiều chủ tàu cá không khả năng tài chính; nguồn lợi thủy sản trên ngư trường đang trong tình trạng báo động dần cạn kiệt, ngư dân khai thác đánh bắt kém hiệu quả dẫn đến số lượng tàu cá nằm bờ khá nhiều.
Ông Trường kiến nghị, để tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi thì phải có sự tham gia tháo gỡ khó khăn của các cơ quan, đơn vị hữu quan; trong đó, phải đảm bảo về lao động biển trên tàu đầy đủ; đa số chủ phương tiện tàu cá khai thác xa bờ đều vay vốn ngân hàng nên Chính phủ có những chính sách khoanh nợ, không tính lãi suất vay trong thời gian tàu nằm bờ, khai thác không hiệu quả, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển bền vững nghề khai thác hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đề xuất giải pháp giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn, vươn khơi bám biển, yên tâm khai thác đánh bắt hiệu quả và bền vững, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá nêu, vấn đề hiện nay là Trung ương và các địa phương có biển phải khẩn trương vào cuộc khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt nghiêm trọng trên ngư trường. Cụ thể là thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm đánh bắt ven bờ, xử lý mạnh tay với các hành vi khai thác đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt để sớm khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên ngư trường.
"Cần quy định, xử lý và thực hiện nghiêm thời vụ khai thác, một năm đánh bao nhiêu ngày, mùa nào, vùng biển nào để biển có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo lại ngư trường. Cần sớm chấm dứt tình trạng khai thác đánh bắt thủy sản trên biển một cách vô tội vạ như hiện nay", ông Trương Văn Ngữ nói.
Các ngành chức năng hữu quan tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê lại số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nằm bờ, không ra khơi để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi, bám biển, an tâm khai thác đánh bắt thủy sản.