Cây mía vốn được xem như cây trồng chủ lực, đem lại cuộc sống sung túc cho không ít gia đình, đặc biệt là ở các tỉnh trọng điểm như Tây Ninh, Hậu Giang… Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhà nông đã quay lưng lại với cây mía. Rất nhiều diện tích trước đây là những cánh đồng mía hiện đã được phủ xanh bằng các loại cây trồng khác.
Vị đắng của mía
Có truyền thống chuyên canh mía, nhưng những ngày đầu năm mới 2014, gia đình anh Nguyễn Hữu Châu ở xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh (Tây Ninh) đã quyết định “đoạn tuyệt” với cây mía. Cả diện tích đất chồi mía rộng hơn 4 ha thuộc huyện Tân Châu đã “bị” anh cho xe cơ giới cày xới xơ xác để chuyển sang trồng na. “Liên tiếp các năm qua, giá mía xuống thấp, người trồng mía chúng tôi không có lời, mà lại vất vả hơn so với trồng những loại cây khác. Cả năm trời chăm bẵm lo toan cho cây mía nhưng vụ thu hoạch vừa qua, giá mía thấp hơn niên vụ trước, khiến kinh tế gia đình tôi rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau”, anh Châu cho biết.
Nông dân đang thu hoạch mía ở Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN |
Những ngày này tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhà nông cũng đã “ngán ngẩm” với tương lai của cây mía và bắt đầu “công cuộc” chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thời điểm đầu tháng 12/2013, giá mía mà thương lái thu mua tận ruộng chỉ từ 600 -650 đồng/kg, thấp hơn niên vụ mía 2012 - 2013 từ 70 -100 đồng/kg và là giá thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Theo tính toán của người trồng mía, với mức giá như trên, trung bình người trồng mía lỗ từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Dù nhiều ruộng mía vẫn còn non, chữ đường chưa cao nhưng người dân nơi đây đã chủ động thu hoạch sớm kết thúc vụ để chuyển đổi diện tích sang nuôi thủy sản. Theo lý giải của bà con, nếu để thêm vài ngày nữa đúng độ chữ đường quy định của nhà máy, giá mía có nhích lên chút đỉnh nhưng vẫn không đáng bao nhiêu lại tốn thêm công chăm sóc.
Tại huyện Phụng Hiệp, vùng mía trọng điểm của tỉnh Hậu Giang, hiện nhiều nông dân đã bắt đầu “thấm đòn” vị đắng của cây mía. Thời gian trồng mía cả năm mới cho thu hoạch và hàng trăm thứ chi tiêu trong gia đình như học hành, mua sắm, đau bệnh… đều trông vào cây mía. Tuy nhiên, với giá vật tư đầu vào và tiền nhân công tăng cao, giá mía lại sụt giảm như hiện nay nhà nông khó thoát cái vòng luẩn quẩn đói nghèo. “Giá mía nguyên liệu phải từ 900 đồng/kg trở lên thì nông dân mới có lãi. Tuy nhiên, chúng tôi đâu có quyết được giá cả đầu ra mà phụ thuộc, may nhờ rủi chịu vào thương lái, nhà máy. Một năm chờ đến kỳ thu hoạch thì lại bán lỗ nên nông dân cứ nghèo hoài”, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Hiệp Hưng than thở.
Ồ ạt chuyển đổi cây trồng
Trong nhiều năm qua, diện tích mía tại đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 48.000 -52.000 ha, góp phần giúp các nhà máy ổn định vùng nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, niên vụ mía năm nay rất nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường đang đau đầu với bài toán nguyên liệu khi rất nhiều diện tích trồng mía đã bị nhà nông phá bỏ. Tại huyện Phụng Hiệp, cây mía là một trong những loại cây kinh tế chủ lực nhưng hiện nhiều hộ đã bỏ mía để trồng cây khác. Theo thống kê của huyện, năm ngoái toàn huyện có gần 9.000 ha mía. Sang năm mới, ngành nông nghiệp đề ra kế hoạch phấn đấu duy trì khoảng hơn 50% diện tích ở những vùng có đê bao chống lũ nhưng vẫn lo khó đạt chỉ tiêu đề ra.
Tương tự, niên vụ mía 2013 -2014, tỉnh Long An chỉ có hơn 13.000 ha, giảm gần 5.000 ha so với 5,6 năm trước. Tại các xã Thanh Hà, Thạnh Lợi thuộc huyện Bến Lức chỉ tính 3 năm gần đây, bà con ở trong xã đã chuyển hơn 70% diện tích mía sang trồng các loại cây trồng khác.
Còn tại huyện Cù lao Dung, địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh Sóc Trăng với diện tích bình quân từ 8.000 -10.000 ha, người dân đang “hối hả” phá bỏ mía để đào ao nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Đại diện ngành nông nghiệp huyện cho hay, hiện có nhiều hộ dân chuyển đổi từ trồng mía sang nuôi trồng thủy sản. Ngành vẫn chưa thể thống kê được số liệu cụ thể do niên vụ mới vẫn chưa bắt đầu.
Lê Nghĩa - Phi Sơn
Bài 2: Những khó khăn “nhỡn tiền”