Trước đó, tiếp tục phiên trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định: Sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp để cung cấp đủ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; đồng thời đảm bảo Nhà nước vẫn độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng.
Thống đốc NHNN đưa ra hình ảnh giữ thăng bằng khi đi trên dây để nói về nhiệm vụ vừa phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa phải kiềm chế lạm phát của ngành ngân hàng. Trước đây, từ chỗ bị động trong điều hành chạy theo thị trường, nay điều hành của NHNN đã chuyển hẳn sang thế chủ động, dẫn dắt. Hàng loạt các chính sách quản lý hoạt động tiền tệ được ban hành trong thời gian qua chính là công cụ chỉ đạo điều hành thị trường để cùng đạt cả 2 mục tiêu nói trên. Theo Thống đốc, hiện mức quy định trần lãi suất huy động là 14% không phải là cao nhưng nếu so với dự báo về tỷ lệ lạm phát năm 2012 thì là phù hợp. Có như vậy mới đủ cơ sở để xem xét giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong năm tới.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet.
|
Có ý kiến đại biểu cho rằng quy định về trần lãi suất chỉ là biện pháp hành chính còn thực tế lãi suất NH nên là thỏa thuận, nhưng theo Thống đốc, vào giai đoạn khó khăn càng cần phải áp dụng trần lãi suất huy động chứ không nên bỏ quy định này mà áp trần lãi suất cho vay để phù hợp với khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ. Nếu cào bằng lãi suất cho vay thì không phân biệt được loại nào cần khuyến khích, loại nào cần hạn chế. Mặc dù có quốc gia lại chọn phương án áp trần huy động và sàn cho vay.
“Hiện NHNN vẫn tiếp tục theo sát diễn biến thực tế, cùng các bộ, ngành nghiên cứu để xây dựng lãi suất phù hợp. Lãi suất không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của NHNN mà được xây dựng dựa trên kết quả thực hiện chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Nhà nước và phụ thuộc định hướng kinh tế vĩ mô.
Trong những tháng gần đây, kinh tế vĩ mô được cải thiện đáng kể, lạm phát giảm mạnh là tiền đề cơ bản, quan trọng tính đến giảm lãi suất. NHNN sẽ đánh giá quan hệ cung cầu - sản xuất trong nước và tình hình diễn biến kinh tế thế giới để có những điều chỉnh hợp lý, tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn vay! Mọi kịch bản sẽ có con số và thời điểm cụ thể, thời điểm này NHNN chỉ công bố nguyên tắc chung như vậy”, Thống đốc khẳng định.
Thống đốc NHNN nhấn mạnh: Trong năm 2012, vốn cho nông nghiệp nông thôn vẫn là trọng tâm của chính sách tín dụng. Hiện dư nợ nhóm này chiếm 20% tổng dư nợ. Mặc dù hạn chế tăng trưởng tín dụng nhưng nhóm này vẫn tăng 23-30%. Thời gian tới sẽ tập trung vốn cho khôi phục lại sản xuất tại vùng lũ lụt, đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp nông thôn, đầu tư kho bãi bảo tồn và cơ sở chế biến... nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện chất lượng tín dụng và nợ xấu của cả hệ thống NH đang là 3,3% và cả năm khoảng 3,6%. Nếu so với tỷ lệ khoảng 10% của năm 2010 thì cũng không đáng ngại. Các khoản cho vay bất động sản cũng chỉ chiếm 8,3% tổng dư nợ cho vay và nợ xấu chừng 4,2% trên tổng số dư nợ này. Như vậy, các NH không phải đã đổ nhiều vốn cho lĩnh vực này như nhiều đại biểu lo ngại. Nếu theo chuẩn kế toán của Việt Nam thì nợ xấu vẫn trong ngưỡng an toàn.
Về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, Thống đốc NHNN khẳng định: Nhìn lại mặt bằng pháp lý về hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua còn nhiều bất cập. NHNN quản lý về nguyên liệu đầu vào nhưng vấn đề lưu thông lại do Bộ Công Thương quản lý. Nhiều năm qua, vàng vẫn được lưu thông như hàng hóa bình thường. Do vậy, gây ra nhiều bất cập.
Theo thống kê của NHNN, hiện có tới hơn 12.000 cửa hàng vàng được quyền kinh doanh vàng miếng. Nếu trước năm 2008, vàng thế giới không có những biến động lớn thì hoạt động kinh doanh vàng trong nước cũng khá trầm lắng. Tuy nhiên, từ năm 2009 trở lại đây, giá vàng thế giới đã liên tục biến động, thời gian gần đây có thời điểm lên tới 1.700USD/oz, do vậy, ảnh hưởng mạnh tới thị trường vàng trong nước.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã giao cho NHNN xây dựng dự thảo Nghị định quản lý và kinh doanh vàng nhằm siết lại quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức. Nguyên tắc được đặt ra theo dự thảo sẽ là nhà nước độc quyền về sản xuất kinh doanh vàng miếng. Như vậy, nếu nhóm lợi ích đi trái lợi ích của quốc gia sẽ không được tồn tại. Hiện vàng SJC của Công ty TNHH một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn chiếm 90% thị phần của các loại vàng miếng nên có dư luận lo ngại về sự độc quyền. Tuy nhiên, Thống đốc khẳng định đây là công ty trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh và đã có phương án chuyển về trực thuộc NHNN để đạt mục tiêu: Tiết giảm chi phí nhưng thực chất NHNN vẫn quản lý nhãn hiệu vàng này. Khi điều kiện cho phép sẽ đổi thương hiệu dập trên nhãn vàng từ SJC thành SBV.
NHNN cũng đang gấp rút xây dựng đề án về hoạt động huy động vàng của nhà nước. Các công cụ này được ban hành sẽ có đầy đủ cơ sở để quản lý tốt hơn theo nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối quyền lợi của người dân về việc mua bán, gửi vàng miếng. Số vàng huy động được trong dân sẽ được phục vụ cho quốc kế dân sinh. Việc ban hành đồng bộ công cụ trên sẽ ảnh hưởng đến nhóm lợi ích nhưng sẽ tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo hoạt động chính sách tiền tệ.
Tại phiên chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng thời gian qua bộc lộ nhiều yếu kém.
Mặc dù trần lãi suất huy động 14% được quy định từ cuối năm 2010 nhưng các TCTD vẫn tìm mọi hình thức vô hiệu hóa quy định này. Suốt nửa năm, tình trạng vượt trần lãi suất 14% diễn ra phổ biến. Thống đốc chỉ rõ: Đây là biện pháp hành chính nhưng lại thiếu chế tài. Hoạt động thanh tra giám sát chưa nghiêm, vi phạm thì nhiều nhưng chưa phát hiện và xử lý, đây chính là yếu kém, trì trệ của bộ máy. Điều này đã khiến phát sinh nhiều vụ việc tiêu cực. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, phát hiện và tiếp tục điều tra, xử lý, làm rõ.
Nhóm PV