Tại phiên giải trình, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; những hạn chế, tồn tại cần tháo gỡ; nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề xuất giải pháp, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, nâng cao ý thức của nhà sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.
Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Huy Chiến đề nghị, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh đưa ra giải pháp kiểm soát, xử lý tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi thủy sản, hóa chất cấm trong sản phẩm động vật tươi sống, kim loại nặng trên rau củ, quả dẫn đến nguy cơ tích lũy hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Ninh Dương Thị Thanh Huyền cho biết, hiện nay, tại một số cổng trường học còn hiện tượng bán hàng rong, thực phẩm không được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, một số nơi dư luận phản ánh xuất hiện bán bóng bay, kẹo có chất gây nghiện hay tình trạng mất an toàn mất an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố… Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp xử lý tình trạng trên.
Làm rõ hơn về vai trò của Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh và các vấn đề liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, Trưởng ban Quản lý Nguyễn Vinh Thanh cho biết, ngày 23/1/2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh được thí điểm thành lập theo Quyết định số 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ban triển khai áp dụng phần mềm hệ thống quản lý an toàn thực phẩm giúp việc kiểm soát cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chặt chẽ, đồng bộ từ tuyến tỉnh đến huyện, xã. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10.600 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, trong đó hơn 10.300 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện/ký bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm (đạt 97,2%, tăng % so cùng kỳ giai đoạn trước).
Trong gần 6 năm hoạt động từ 2018-2023, Ban Quản lý cấp hơn 6.700 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, ký bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh; lấy 785 mẫu sản phẩm thực phẩm thực hiện kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố; xử lý, xử phạt 53 cơ sở có mẫu hậu kiểm không đạt với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng; ra quyết định thu hồi và thông báo dừng lưu thông toàn quốc đối với 3 sản phẩm thực phẩm chức năng.
Ban Quản lý tích cực, chủ động triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống... Trong 6 năm, có hơn 15.500 cơ sở được thanh, kiểm tra; trong đó hơn 12.200 cơ sở (chiếm 78%) đạt an toàn thực phẩm, gần 3.500 cơ sở không đạt. Lực lượng chức năng ban hành 395 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.
Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm, phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt. Trong 6 năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 397 người mắc, không có trường hợp tử vong; xảy ra một sự cố về an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học.
Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn do tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm phần lớn. Việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ còn gặp khó khăn do nguồn gốc thực phẩm đa dạng, từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh…
Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị và những kết quả ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường đạt được thời gian qua.
Để khắc phục tồn tại hạn chế và thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị, các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật, của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề an toàn thực phẩm; thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Các đơn vị đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là ở cơ sở, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, đồng thời khuyến khích, động viên nhân dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để, kiên quyết tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm…