Nhanh chóng chuyển đổi diện tích trồng lúa hè thu kém hiệu quả

Sản xuất lúa vụ hè thu thường có lợi nhuận thấp do chi phí cao mà năng suất không tương xứng. Bởi vậy, ngành nông nghiệp đang chủ trương sẽ giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây màu hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản trong nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng và giúp nhà nông nâng cao thu nhập.


Nỗi lo lợi nhuận


Năm nay, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã chủ động xuống giống vụ hè thu sớm. Theo phòng nông nghiệp huyện, đến nay nhà nông đã hoàn thành kế hoạch gieo sạ khoảng 15.300 ha. Để đảm bảo yêu cầu thu hoạch trước khi lũ về, hầu hết người dân chọn những giống lúa ngắn ngày, năng suất ổn định, có khả năng kháng sâu bệnh như: OM 6162, OM 4900… “Năm nay điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho việc sản xuất lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, điều nông dân băn khoăn nhất là đầu ra liệu có được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn không?”, anh Lê Văn Thiện ở xã Mỹ Phước Tây lo lắng.

 

Giảm diện tích trồng lúa, đặc biệt ở các vụ hè thu, thu đông… chuyển sang trồng màu nhằm tăng giá trị lợi nhuận đang là đòi hỏi bức xúc của nhà nông.


Giá vật tư nông nghiệp vốn chiếm hơn 50% chi phí sản xuất, đang làm cho nhiều bà con đau đầu, đặc biệt là những hộ có diện tích ruộng lớn. Tính toán của nhà nông, thuốc diệt cỏ đang dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/chai, phân đạm khoảng 520.000 - 800.000 đồng/bao tùy loại, phân DAP từ 880.000 - 1 triệu đồng/bao… Ngoài ra, chi phí sản xuất còn thêm: giống, nhân công, phí vận chuyển, điện, xăng dầu bơm nước… Trong khi đó, điều kiện thời tiết sản xuất của vụ lúa hè thu thường không thuận lợi, vì vào đúng mùa mưa lụt của ĐBSCL nên chi phí đầu vào thường cao hơn mà năng suất lại thấp. Trung bình nhà nông phải bỏ ra khoảng hơn 25 triệu đồng chi phí đầu tư cho mỗi ha lúa. Tính ra, sau khi thu hoạch mỗi ha canh tác vụ hè thu chỉ cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.


Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến vụ hè thu năm 2014 các tỉnh ĐBSCL sẽ gieo sạ khoảng 1,7 triệu ha. Nhằm mục đích né rầy, nhà nông sẽ tập trung xuống giống 3 đợt, bắt đầu từ cuối tháng 4 và đến tháng 6 sẽ hoàn thành kế hoạch. Vấn đề cơ cấu giống sản xuất phù hợp được chú trọng hàng đầu và tùy theo mùa mưa đến sớm hay muộn mà các địa phương chủ động lên lịch gieo sạ sao cho phù hợp. Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh thành trong khu vực đã chủ động khuyến cáo bà con tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận, thích hợp với vùng sản xuất, hạn chế tình trạng sử dụng giống lúa chất lượng trung bình, giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc để tránh thiệt hại về chất lượng cũng như năng suất.


Giảm diện tích trồng lúa


Tại Hội nghị sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL được tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ chuyển đổi khoảng 200.000 ha lúa vụ hè thu sớm sang trồng các loại cây màu, trong đó ngô lai ước chiếm hơn 25%. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2015, các tỉnh ĐBSCL sẽ giảm khoảng 112.000 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây màu hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản trong nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng và giúp nhà nông nâng cao thu nhập.


Hiện nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang màu như: ngô, mè, lạc, rau các loại đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Lợi nhuận vụ hè thu thường chỉ trên dưới 10 triệu đồng/ha mà lại rất cực công. Năm nay, gia đình chị đã chủ động gieo sạ mè và bước đầu đã cho lợi nhuận gấp 2- 4 lần so với trồng lúa”, bà Nguyễn Ngọc Hằng ở huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ) cho hay.


Mới đây, Chính phủ đã đồng ý sử dụng ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí mua hạt giống cây trồng giúp bà con các tỉnh ĐBSCL thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu (ngô, đậu tương, vừng, lạc, dưa, rau các loại) từ vụ hè thu năm 2014. Theo đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu nếu đáp ứng đủ điều kiện (được UBND xã xác nhận đã thực hiện chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất trồng lúa và tuân thủ theo hướng dẫn của ngành chức năng) sẽ được hỗ trợ chi phí về giống để chuyển đổi với hạn mức không vượt quá 2 triệu đồng/ha.

UBND các tỉnh, thành phải tìm hiểu thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm để xác định chủng loại cây trồng, diện tích chuyển đổi phù hợp, đồng thời căn cứ nhu cầu thực tế nghiên cứu, xem xét có chính sách hỗ trợ bổ sung thêm nhằm giúp nhà nông nâng cao được thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Bài và ảnh:Lê Nghĩa

Chuyển đổi nghề cho hộ dân thiếu đất sản xuất
Chuyển đổi nghề cho hộ dân thiếu đất sản xuất

Đất ở, đất sản xuất là nhu cầu muôn đời của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện canh tác khó khăn cộng với việc thiếu đất sản xuất nên có thời điểm một bộ phận không nhỏ người dân đã di cư tự do gây mất ổn định xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN