Không còn cảnh người người phải đi sớm về muộn để xếp hàng, rồi những lo lắng nếu không làm nhanh thủ tục, hàng hóa sẽ bị ách tắc, chi phí tăng lên… Hiện nay, tại các đơn vị cung cấp các giấy chứng nhận cho xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản chỉ có những cán bộ phải thường xuyên túc trực trên máy tính để giải quyết kịp thời những bộ hồ sơ được chuyển đến qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW).
Gặp anh Bùi Văn Đức – Công ty TNHH Vận tải Lam Sơn Thái Bình tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I đến làm thủ tục khiến chúng tôi khá thắc mắc bởi Chi cục đã triển khai cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Anh Đức cho biết, anh đến theo thói quen và kiểm tra xem hồ sơ có sai sót gì không để chỉnh sửa cho chắc chắn. Anh chuyên làm dịch vụ đăng ký các thủ tục hải quan nên từ khi triển khai thủ tục một cửa, anh thấy rất nhanh gọn không phải khai trên giấy mà khai trên máy và chỉ mất 3-5 phút. Việc kê khai trên giấy và phải đi đến cơ quan chuyên môn như trước kia khiến anh có khi một buổi vẫn chưa làm xong.
Mỗi năm nhập khẩu đến gần 1.000 đơn hàng, nên cứ mỗi lần làm thủ tục qua giấy như trước đây, chị Phạm Thanh Phương, phụ trách xuất nhập khẩu Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu thực phẩm Hạ Long mất khá nhiều thời gian, công sức và chi phí, thậm chí công ty có 2-3 người cùng đảm nhiệm nhiệm vụ này.
Theo chị Phương, việc kê khai, đăng ký kiểm dịch thú y đến hải quan đều làm việc qua mạng nên chị không phải mất công đi lại như trước đây. Doanh nghiệp sẽ không phải đến rồi chờ đợi, cơ quan quản lý cũng có nhiều thời gian để kiểm tra hồ sơ. Những thời điểm hàng hóa về nhiều, việc chờ đợi lại càng lâu hơn.
Không được như nhàn nhã như anh Đức hay chị Phương, anh Nguyễn Trọng Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Trung Sơn, Hưng Yên vẫn phải đến làm thủ tục tại Chi cục Thú y vùng II. Sau khi chờ làm xong, anh tiếp tục đến Chi cục Hải quan làm thủ tục kế tiếp. Anh phải mất cả một ngày cho việc di chuyển đến từng đơn vị để hoàn thiện thủ tục nhập khẩu thủy sản về gia công xuất khẩu. Bởi thủ tục kiểm dịch thủy sản nhập khẩu của anh chưa được triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Là một đơn vị hàng năm phải tiếp nhận xử lý hàng chục nghìn hồ sơ, ông Nguyễn Trung Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I cho biết, đã có 97% hồ sơ được xử lý qua điện tử. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí và nhân lực.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chi cục vẫn phải xử lý trên 1.000 hồ giấy bởi hệ thống đường truyền vẫn thỉnh thoảng gặp trục trặc. Bên cạnh đó, một số thủ tục liên quan tới an toàn thực phẩm chưa tiến hành chuẩn hóa quy trình để áp dụng một cửa quốc gia nên những hồ sơ này cũng phải thực hiện bằng giấy.
Tại Chi cục Thú y vùng II, đơn vị đang áp dụng cơ chế một cửa quốc gia với hai thủ tục là cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu; giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu. Tính từ đầu năm đến nay, hồ sơ khai báo qua một cửa quốc gia đạt trên 99%.
Ông Đoàn Thành Lũy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng II cho biết, những hồ sơ còn lại phải khai báo trực tiếp chủ yếu thuộc những doanh nghiệp mới chưa được tập huấn hoặc doanh nghiệp rất ít tham gia xuất nhập khẩu.
Từ khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trên hệ thống một cửa quốc gia, Chi cục Thú y vùng II đã tiết kiệm được thời gian, nhân lực cho kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất nhập khẩu, đồng thời giúp hàng hóa của doanh nghiệp được thông quan nhanh chóng, thuận tiện hơn so với thủ tục giấy trước kia.
Cụ thể, thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch rút xuống còn từ 2 - 3 ngày đối với các lô hàng phải lấy mẫu kiểm dịch và 1 ngày đối với lô hàng chỉ kiểm tra cảm quan. Đặc biệt, việc triển khai điện tử sẽ giúp minh bạch về hồ sơ, kể cả thời gian xử lý hồ sơ, ông Đoàn Thành Lũy đánh giá.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi cấp chứng nhận kiểm dịch điện tử, Chi cục Thú y vùng II vẫn phải cấp giấy chứng nhận kiểm dịch bản giấy theo yêu cầu của doanh nghiệp. Vì khi doanh nghiệp đưa hàng hóa vào tiêu thụ nội địa, các đơn vị khác không chấp nhận giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử do bản điện tử in ra không có dấu đỏ, chữ ký tươi.
Bên cạnh đó, những lúc lỗi mạng hoặc lỗi hệ thống, Chi cục Thú y vùng II phải cấp giấy chứng nhận kiểm dịch bằng bản giấy thay thế nên có thể dẫn tới ùn tắc hồ sơ cục bộ.
Do đó, ông Đoàn Thành Lũy kiến nghị, cơ quan chức năng cần xây dựng những quy định pháp luật đồng nhất để không phải cấp bản giấy khi đã cấp giấy điện tử và các đơn vị có thể kiểm tra, đối chiếu bằng cách tra cứu tuyến. Sau một thời gian triển khai cần bổ sung các lớp tập huấn, đào tạo cho những doanh nghiệp mới.
Ông Đoàn Thành Lũy mong muốn, thời gian tới sớm triển khai việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu; giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, thủy sản tạm nhập tái xuất; giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập, xuất kho ngoại quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Bên cạnh việc cần nâng cấp đường truyền, ông Nguyễn Trung Hà kiến nghị, tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cần tiến hành rà soát sửa chữa các lỗi cũng như nâng cấp, bổ sung thêm một số chức năng cho báo cáo: như thông tin xuất xứ hàng hóa; thông tin của doanh nghiệp.
Trong cấp tạm nhập tái xuất thường có thay đổi nhưng trên Cổng thông tin lại không được sửa nên đơn vị phải cấp bản giấy. Đặc biệt, hệ thống cần tích hợp thêm phần mềm thu phí tự động bởi hiện các doanh nghiệp vẫn phải trực tiếp đến Chi cục để nộp các loại phí theo quy định.
Đối với vấn đề này, ông Vương Đức Hinh - Phó Chánh Văn phòng thường trực Cải cách hành chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Viettel để từng bước điều chỉnh kỹ thuật, cũng như nâng cấp phần mềm hệ thống để quá trình kết nối thực hiện khai báo thủ tục trên NSW sẽ được thông suốt và thuận tiện hơn.