Ngày 14/1, nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục, lên tới 96.340 tỷ yen (hơn 810 tỷ USD) cho tài khóa 2015 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Theo dự thảo ngân sách mới, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng 2% với với năm 2014, lên mức cao kỷ lục là 4.980 tỷ yen. Đây là năm thứ ba liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu cho lĩnh vực này trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe muốn tăng các năng lực phòng vệ của đất nước và tăng cường kiểm soát trên toàn lãnh thổ.
Chính phủ cũng dự kiến dành 5.400 tỷ yen trong ngân sách năm 2015 cho Bộ Ngoại giao, tăng 2,9% so với ngân sách năm 2014, nhằm củng cố sức mạnh ngoại giao. Theo kế hoạch, bộ trên sẽ dành 1,32 tỷ yen cho các chuyến công du của Thủ tướng Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida trong tài khóa 2015, tăng so với con số 960 triệu yen cho cho các hoạt động này trong tài khóa 2014. Phần lớn ngân sách dành cho bộ trên (423,8 tỷ yen) sẽ được dành cho viện trợ phát triển chính thức (ODA), tăng 0,2% trong năm thứ 5 liên tiếp.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản bắn tên lửa chống mìn trong tập trận ngày 19/8/2014. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong tổng ngân sách tài khóa 2015, 23.450 tỷ yen sẽ được dùng để thanh toán nợ công. Tiền chi cho an sinh xã hội dự kiến tăng 3,3% so với tài khóa trước, lên mức 31.530 tỷ yen. Thâm hụt dự báo giảm hơn 4.000 tỷ yen so với tài khóa trước, xuống mức 13.400 tỷ yen. Vì vậy, dự kiến phát hành trái phiếu mới cũng giảm hơn 4.000 tỷ yen, xuống còn 36.8600 tỷ yen.
Dự thảo ngân sách trên sẽ được trình Hạ viện xem xét thông qua trong phiên họp vào cuối tháng này.
Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,7% trong tài khóa 2015. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng dự báo này quá lạc quan bởi Nhật Bản đang lún sâu vào suy thoái trong hai quý vừa qua, sau quyết định tăng thuế tiêu dùng từ mức 3% lên 8% hồi tháng 4/2014. Đây là hậu quả không mong muốn sau gần hai năm ông Abe áp dụng chính sách kinh tế mang tên ông - "Abenomics".
Chính vì vậy, ông đã quyết định hoãn 18 tháng kế hoạch tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% lên 10%, đến tháng 4/2017. Tuy nhiên, Tokyo cam kết với quốc tế rằng sẽ trở lại thặng dư ngân sách vào năm 2020 và hứa đến mùa Hè tới sẽ vạch ra một kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu này.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, nội các đã thông qua kế hoạch cải cách thuế khóa trong năm 2015, theo đó cắt giảm thuế công ty nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Bộ Tài chính cho biết thuế đánh vào công ty sẽ giảm 142 tỷ yen trong tài khóa 2015, bắt đầu từ tháng 4 tới. Trong vòng hai năm, chính sách này sẽ tiết kiệm cho các công ty hơn 400 tỷ yen. Chính sách này được đưa ra sau khi có con số thống kê sơ bộ cho biết tiền thu thuế của chính phủ trung ương trong năm 2014 ước đạt 54.530 tỷ yen, mức cao nhất trong 24 năm qua, là nhờ tiền thu thuế công ty tăng mạnh, hệ quả của việc đồng yen giảm giá khiến lợi nhuận từ xuất khẩu gia tăng.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định miễn thuế đối với các khoản tiền cho, tặng nhân dịp cưới hỏi, sinh nở... trị giá từ 10 triệu yen trở lên. Ở Nhật Bản, người già sở hữu khoảng 60% tài sản tài chính xét ở cấp độ một cá nhân và họ thường có thói quen cho tặng con cháu nhân các dịp đặc biệt. Ngoài ra, nhiều chính sách ưu đãi thuế khác cũng sẽ được kéo dài.
TTXVN/Tin tức