Nhật - Mỹ và cú hích TPP

Ngày 7/8, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành song song hai cuộc đàm phán về thương mại song phương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, đàm phán TPP mang tính then chốt cho tương lai Nhật Bản và chính sách ở châu Á của Mỹ.

Nhật Bản hiện là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa.


Nhân tố TPP trong quan hệ Mỹ -Nhật Bản

Việc Nhật Bản tham gia vào vòng đàm phán TPP được cho là sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ của Mỹ với châu Á – Thái Bình Dương ở thập kỷ này. Điều này giúp Mỹ duy trì chiến lược lâu dài của mình tại châu Á và giúp cả nỗ lực phục hồi nền kinh tế Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe.

Một số chuyên gia đánh giá, chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á của Washington không thể hoàn thành nếu Nhật Bản không tham gia TPP khi mà, tại khu vực này, Nhật Bản là nước ủng hộ việc Mỹ quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương và là đồng minh an ninh thân cận của Mỹ. Đồng thời, khi tham gia TPP, Nhật Bản sẽ thay Mỹ trở thành một đối trọng về kinh tế với Trung Quốc ở khu vực.

Giống như Liên Xô trước đây dựa chủ yếu vào sức mạnh quân sự, ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay có nguồn gốc một phần chủ yếu là nhờ thế mạnh kinh tế. Trong khi đó, tới thời điểm này, Mỹ có rất ít các hiệp định mang tính đòn bẩy về kinh tế để tạo đà cho việc chuyển chiến lược sang châu Á, ngoại trừ thỏa thuận về tự do thương mại song phương (FTA) đã ký kết với Australia, Singapore và Hàn Quốc. Để bù lại, Mỹ tập trung nhiều vào nỗ lực chính trị và quân sự, như tăng cường cải thiện quan hệ chính trị với những nước không mấy thân thiện trong khu vực, đồng thời triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại đây.

Nếu thành công, TPP bao gồm Nhật Bản sẽ lấp đầy khoảng trống về kinh tế trong chính sách của Mỹ tại châu Á. Nhật Bản sẽ thúc đẩy việc giao lưu thương mại giữa các nước thành viên, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và từ đó tăng cường vị thế của các nước trong khu vực trong tương quan với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Điều quan trọng là việc Nhật Bản tham gia vào TPP như một nền kinh tế lớn nhất ở châu Á sẽ làm phong phú hơn mạng lưới kinh tế khu vực, đồng thời giúp Mỹ trở lại sân chơi tự do thương mại với khu vực, khi mà Trung Quốc đã ký hoặc đang theo đuổi FTA với một số nước trong TPP như Singapore, Australia, New Zealand và Chile.

Hiệp định TPP cũng góp phần thúc đẩy thêm các mối quan hệ an ninh của Washington. Các nước trong TPP quan hệ thân thiết với các đồng minh quân sự của Mỹ phần lớn là do có cùng lo ngại về thái độ của ngày càng ngang ngược của Trung Quốc. Sự phụ thuộc của Nhật Bản vào các tuyến đường biển trong vận tải dầu nhập khẩu đem đến cơ hội cho nước này trong việc hợp tác với các nước trong khu vực về an ninh và năng lượng, trong đó có việc làm nhụt ý đồ bành trướng và hăm dọa của Trung Quốc với các nước TPP trong khu vực về tranh chấp chủ quyền trên biển.

Cơ hội và thách thức

Các chuyên gia nhìn nhận, chiến lược của Mỹ tại châu Á dựa vào sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, mà sự phục hồi này đang phụ thuộc vào chương trình 3 mũi nhọn kinh tế của Thủ tướng Abe. Hai nhân tố đầu tiên trong học thuyết kinh tế của Abe là tài khóa và tiền tệ đang được triển khai và đã thấy trước được tương lai của chính sách này.
 
Chính sách này giống như việc cho bệnh nhân ăn đường trước rồi sau đó cho uống thuốc đắng. Việc nới lỏng tiền tệ quá mức của Ngân hàng trung ương Nhật Bản khiến thâm hụt chi tiêu ở mức kỷ lục và tăng nguy cơ lạm phát. Hai biện pháp này giống như uống 2 ly cà phê khi dạ dày đang trống rỗng, nó làm cho người ta tỉnh táo rồi sau đó mệt lử đi. Đó là lý do giải thích tại sao Abe có ý định thực thi cải cách cơ cấu để đánh thức Nhật Bản sau 2 thập kỷ kinh tế trì trệ.
 
Về mặt chính trị, Abe dùng đàm phán TPP như một phương tiện để thúc đẩy chương trình nghị sự cải cách cơ cấu. Nguyên tắc trung tâm của việc cải cách là cải thiện khả năng cạnh tranh hàng hóa và lấy lại mũi nhọn xuất khẩu của Nhật Bản. TPP sẽ giúp giảm chi phí cho hàng hóa nhập khẩu và tăng khả năng thâm nhập hàng hóa Nhật Bản vào thị trường khu vực, cũng như giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu sẽ khiến các vấn đề đang gây đang tranh cãi khó được giải quyết hơn, bao gồm việc tăng thuế tiêu dùng, tạo công ăn việc làm, đưa ra quy định giảm giá điện và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thách thức lớn nhất cho Thủ tướng Abe khi tham gia TPP là việc hạ thấp hàng rào thuế quan và gỡ bỏ rào cản nhập khẩu nguồn lương thực chính là gạo. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng tới lá phiếu của đảng Dân chủ Tự do (LDP) tại khu vực nông thôn và gây chia rẽ trong nội bộ đảng. Để giải quyết điều này, Thủ tướng Abe đã cam kết sẽ bảo vệ một phần lĩnh vực nông nghiệp then chốt để tiếp tục nhận ủng hộ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết sẽ bảo vệ một phần lĩnh vực nông nghiệp then chốt của Nhật Bản. Ảnh minh họa.


Việc Nhật Bản âm thầm duy trì hạ thấp giá trị đồng yen, đặc biệt trong kỷ nguyên hậu Bernanke (Ben Bernanke - chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ) sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu và xoa dịu những tổn thương do cải cách cơ cấu gây ra.

Khi "Abenomics" thất bại

Sự thất bại của học thuyết kinh tế Abe, bao gồm cải cách cơ cấu liên quan tới đàm phán TPP, có thể gây ra sự bất ổn trên diện rộng. Nếu Thủ tướng Abe thất bại trong giải quyết vấn đề nội địa, việc cải cách cơ cấu sẽ bị trì hoãn và hi vọng về sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản cũng chấm dứt. Sẽ có hai kịch bản xảy ra và cả hai đều xấu với Nhật Bản và các đối tác.

Kịch bản thứ nhất, nếu cải cách không được thực hiện, chương trình nới lỏng tiền tệ của Abe kết hợp với thâm hụt ngân sách do kích thích kinh tế có thể dẫn tới lạm phát, đó là sự kết hợp giữa lạm phát cao, tăng trưởng chậm và tăng thất nghiệp.

Kịch bản thứ hai, với gánh nợ khổng lồ tương đương 230% GDP, việc tăng lãi suất trái phiếu chính phủ thêm chỉ 2% sẽ nâng chi phí trả nợ lên tới 100% ngân sách. Nếu kịch bản này xảy ra sẽ khiến Nhật Bản liên tục ở trong tình trạng thâm hụt thương mại và tăng trưởng chậm chạp. Trong viễn cảnh tồi tệ nhất, Nhật Bản sẽ tiếp tục phụ thuộc lớn hơn vào trái phiếu chính phủ trong khi người dân sẽ không mua thêm trái phiếu và Nhật Bản sẽ đánh mất đi vị trí là thiên đường đầu tư nước ngoài.

Cả hai kịch bản đều có thể dẫn Nhật Bản tới tình trạng vỡ nợ. Với các chân rết đầu tư khổng lồ trên toàn cầu thì khủng hoảng của Nhật Bản không chỉ phủ bóng lên cuộc khủng hoảng nợ châu Âu mà đàm phán TPP cũng trở nên xa vời. Nếu điều xấu nhất xảy ra thì khi kinh tế suy sụp sẽ hướng Nhật Bản tới chủ nghĩa dân tộc cực đoan, trong khi họ lại ngã sâu hơn vào vòng tay Trung Quốc và làm hỏng chiến lược của Mỹ tại châu Á.


Đức Trung (tổng hợp)
Mỹ chấp thuận Nhật Bản đàm phán TPP
Mỹ chấp thuận Nhật Bản đàm phán TPP

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ để tham gia đàm phán hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN