Nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngành hàng sản xuất trong nước, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của người tiêu dùng tới hàng Việt Nam. Tuy nhiên, cần tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc hơn ở thị trường nội địa.


Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng

Tại Hội nghị Tổng kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức hôm qua (28/12), Ban chỉ đạo chương trình hưởng ứng cuộc vận động cho biết, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng áp đảo. Một xu hướng đáng mừng hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam đã ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam.

Hàng ngoại giả hàng Việt để thu hút người tiêu dùng

Theo số liệu nghiên cứu mới đây về xu hướng tiêu dùng của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, có đến 90% người được hỏi ở TP Hồ Chí Minh và 83% ở Hà Nội cho biết họ có thể hoặc chắc chắn sẽ mua hàng Việt nhiều hơn.

Người dân tham quan, mua sắm tại "Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng năm 2011". Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Ngay cả tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm sản xuất kinh doanh BSA, đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn cho biết: “Tín hiệu đáng mừng là người dân thận trọng với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như hàng Trung Quốc giá rẻ có chất lượng kém và ngày càng quan tâm hơn đến hàng Việt. Thái độ của người dân với hàng Việt đã khiến phát sinh tình trạng hàng Trung Quốc xé mác để dán vào nhãn hàng Việt Nam. Việc giả danh xuất xứ hàng Việt Nam để bán hàng đã được phát hiện ngay ở cả siêu thị”. Như vậy, tín hiệu hàng Việt Nam đã được người Việt Nam tin dùng hơn là đáng mừng nhưng đặt ra ứng xử phức tạp hơn.

Về phía doanh nghiệp (DN), cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước, cho hoạt động và sự phát triển bền vững của DN Việt Nam. Qua đó, các DN đã chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường nội địa theo hướng lâu dài và bền vững. Có thể thấy, các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước đã dần cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng nhu cầu và từng bước tạo được lòng tin với người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt. Nhiều ngành nghề như dệt may, da giày, nước giải khát... đã tăng mạnh doanh số bán hàng ở thị trường nội địa. DN Việt Nam còn được coi là có ưu thế hơn các DN nước ngoài do nắm được tâm lý, thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam.

Nhờ vậy, tuy năm 2011, chứng kiến xu thế thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng nhưng doanh thu của nhiều ngành hàng như: dệt may, da giày, giấy... vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 12%. Có DN ngành dệt may đã có mức tăng trưởng ấn tượng ở thị trường nội địa, tăng trưởng lên tới 30 - 50% so với năm ngoái.

Gắn kết giữa nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng

Mặc dù, việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt đã có nhiều chuyển biến, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn thiếu sự kết nối giữa 3 nhà: nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, chưa có mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt nên hàng Việt mặc dù đã áp đảo ở các siêu thị, trung tâm thương mại nhưng vẫn bị lép vế ở chợ truyền thống. “Bà con tiểu thương muốn bán hàng Việt, người tiêu dùng cũng muốn mua hàng Việt nhưng hàng Việt vẫn chưa tìm được chỗ đứng ở chợ truyền thống vì thiếu sự liên kết thông suốt giữa sản xuất, phân phối. Khảo sát của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tại chợ Đồng Xuân cho thấy thực trạng, có khi bà con tiểu thương cần cung cấp hàng thì DN không cấp hàng ngay được vì còn mải tập trung sản xuất hàng xuất khẩu. DN thì e ngại đưa hàng vào chợ truyền thống vì tâm lý sợ hàng hóa của mình bị coi là hàng chợ...”, bà Loan dẫn chứng.

Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá cả, chất lượng mà cần có hình thức phân phối phù hợp, vì thế, theo bà Loan, các nhà phân phối cũng phải có ý thức ưu tiên cho hàng Việt về: quảng bá sản phẩm, bố trí vị trí trưng bày hợp lý. Người tiêu dùng hiện đại có tâm lý thích mua hàng qua nhiều kênh mua sắm kể cả bán hàng qua truyền hình, qua mạng xã hội, Internet. Hàng Việt muốn đến với người tiêu dùng nhiều hơn cần quan tâm đến cả kênh mua sắm hiện đại bên cạnh các kênh truyền thống.

Các DN sản xuất hàng hóa trong nước đề nghị Nhà nước có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ cho hàng Việt. Ví dụ, DN ngành dệt may, da giày... lo lắng về việc lãi suất cao và khó tiếp cận nguồn vốn nên đề nghị Nhà nước can thiệp để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để sản xuất, kinh doanh. Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vinatex), sản xuất, kinh doanh ở thị trường nội địa cần vốn lớn để lo từ nguyên liệu, sản xuất đến tổ chức hệ thống phân phối. Trong khi, sản xuất xuất khẩu gia công không chịu áp lực này, dẫn tới nhiều DN không sản xuất được nhiều hàng nội địa như kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, ý thức xây dựng thị trường nội địa chưa cao khiến nhiều DN thiếu đầu tư căn bản và dài hạn cho thị trường nội địa. Các DN phân phối đề xuất Nhà nước ưu tiên về điều kiện đất đai để mở thêm các điểm phân phối, bán lẻ hàng Việt.

Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam Vũ Thanh Bình lo ngại vì tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng vẫn còn nặng nề. “Nhiều cơ quan nhà nước vẫn sính dùng giấy ngoại dù sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, Nhà nước cần quản lý cả chi tiêu công theo hướng ưu tiên cho hàng Việt”, ông Bình kiến nghị.

Thu Hường

Đưa hàng Việt về nông thôn và các chợ truyền thống

Hàng Việt đã chiếm tỷ lệ cao ở kênh phân phối hiện đại nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống ở thị trường nông thôn và chợ truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN