Bài 1: Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có nhiều lợi thế
Ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel, cho biết, nhóm hàng hóa, sản phẩm chế biến thành phẩm có giá trị gia tăng cao của Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu sang thị trường Israel.
Năm 2022, Israel đạt mức thu nhập đầu người xấp xỉ 55.000 USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 67 tỷ USD và nhập khẩu đạt 106 tỷ USD. Hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ở trong nước, chủ yếu gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, hàng đầu tư, nhiên liệu xăng dầu, kim cương thô... Riêng nhóm hàng tiêu dùng, mỗi năm Israel nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, bao gồm các mặt hàng như lương thực thực phẩm, đồ uống các loại, quần áo, giầy dép, nội thất, hàng điện tử, thiết bị điện, hàng gia dụng, dược phẩm…
Việt Nam và Israel đã ký Hiệp định về hợp tác kinh tế thương mại vào năm 2004; thành lập Ủy ban liên Chính phủ với các kỳ họp được tổ chức luân phiên tại mỗi nước, góp phần tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác trao đổi thương mại. Hai bên đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương và đã trải qua 12 vòng đàm phán.
Trao đổi thương mại hai chiều không ngừng tăng nhanh từ 1,58 tỷ USD trong năm 2020 lên 1,89 tỷ USD trong năm 2021 và đạt 2,23 tỷ USD trong năm 2022, tăng 17,85% so với năm trước đó. Trong cán cân thương mại, Việt Nam đang nhập siêu từ Israel, do giá trị nhập khẩu nhóm hàng máy tính, linh kiện và bo mạch điện tử có trị giá lớn. Đây là nhóm hàng do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam nhập khẩu trong chuỗi hệ thống đa quốc gia của họ để tiến hành, phục vụ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu trở lại ra thị trường các nước trên thế giới.
Hiện tại, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung cho nhau, những mặt hàng Israel cần nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và ngược lại.
Ông Lê Thái Hòa cho biết, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt trên dưới 780 triệu USD/năm. Xét trên dung lượng thị trường với quy mô 9,7 triệu dân của Israel, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt tỷ lệ khá cao. Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Israel đạt 125,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, nếu tình hình thị trường diễn biến thuận lợi, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel trong cả năm 2023 có thể đạt khoảng 850 triệu USD.
Về cơ cấu mặt hàng, mỗi năm có khoảng trên dưới 70 diện mặt hàng các loại của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel. Năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm có điện thoại di động và linh kiện đạt 293,2 triệu USD, hàng thủy hải sản đạt 80,4 triệu USD (bao gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…), nông sản các loại (hạt điều đạt 59,8 triệu USD, cà phê đạt 24,3 triệu USD, gia vị các loại…), giày dép đạt 92,3 triệu USD, hàng dệt may đạt 32,8 triệu USD. Ngoài ra, còn có các mặt hàng xuất khẩu khác như hàng điện tử, máy móc thiết bị điện, hàng gia dụng, đồ nhà bếp, nước giải khát, lương thực thực phẩm chế biến sẵn thuộc nhóm hàng khô, bánh kẹo, trái cây chế biến sấy khô và đóng hộp…
Trong năm 2022, điện thoại di động và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 37,3%. Các mặt hàng còn lại thuộc nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, quần áo, giày dép, hàng điện tử… chiếm tỷ lệ 62,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Israel. Cà phê, hàng dệt may, giày dép là các mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng mạnh từ 20%-50%.
Đối với nhóm hàng thủy hải sản, hàng năm, Israel thuộc trong Top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đáng chú ý, trong năm 2022, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.
Các mặt hàng cá ngừ đóng hộp, tôm và mực đông lạnh, cá tra, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, quần áo, giày dép… đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường và được người tiêu dùng Israel ưa chuộng, đánh giá cao. Ngoài ra, mặt hàng gạo thơm, hạt dài, loại 5% tấm, đóng bao 5kg; các loại thực phẩm khô, chế biến sẵn, trái cấy chế biến sấy khô hoặc đóng hộp (xoài, chuối, chanh dây, thanh long, dứa), rau củ quả sấy khô, bánh kẹo, nước giải khát các loại... tiếp tục xâm nhập với số lượng và trị giá chưa lớn nhưng bước đầu được phân phối trên thị trường Israel.
Ông Lê Thái Hòa khẳng định các doanh nghiệp Israel ngày càng quan tâm tới thị trường và đối tác Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp hàng hóa ổn định quan trọng tại châu Á. Hiệp định tự do thương mại song phương được ký kết sẽ mang lại một cơ hội mới cho các mặt hàng của Việt Nam, nhất là các nhóm hàng nông sản, thủy hải sản, lương thực thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng gia dụng, sản phẩm và thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng...
Nhiều cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Israel - Bài 2: Tiềm năng mới, thách thức mới