Đây là nội dung được thông tin tại toạ đàm “Cơ hội tiếp cận thị trường Pháp sau đại dịch COVID-19” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh và Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp tổ chức sáng 15/6 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu (sau Đức, Anh, Hà Lan, Ý). Trong những năm gần đây, trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp luôn ở trạng thái thặng dư nghiêng về phía Việt Nam. Đáng chú ý, mức thặng dư thương mại trong giai đoạn 2013- 2017 đều trên 1 tỷ USD/năm và có xu hướng tăng dần qua các năm.
Hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: giày dép; dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thuỷ sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; gốm sứ các loại; cao su; than đá; đồ chơi, sản phẩm thể thao, giải trí; sản phẩm nhựa; hàng mây tre đan...
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã tạo cơ hội rộng mở cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp, một trong những thị trường lớn nhất ở khu vực EU. Mặc dù dịch COVID-19 gây tác động tiêu cực đến hoạt động ngoại thương toàn cầu nhưng hợp tác thương mại Việt Nam – Pháp vẫn đạt được bước phát triển tích cực trong năm 2021.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Pháp là một nền kinh tế phát triển với quy mô khách hàng lớn, đa dạng; đồng thời cũng là quốc gia có ngành sản xuất phát triển. Do đó, thường xuyên có nhu cầu tìm kiếm các nhàcung ứng chất lượng từ nước ngoài. Người dân Pháp có thu nhập cao và là quốc gia tiêu dùng hàng đầu của dịch vụ, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và du lịch. Thị trường thực phẩm tại Pháp đang tăng trưởng và được cung cấp từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, với thị hiếu người tiêu dùng trẻ và phong cách sống thay đổi cũng góp phần vào nhu cầu nhập khẩu thực phẩm của Pháp từ nước ngoài.
Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Pháp khoảng 3,2 tỷ USD. Các mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu gồm một số mặt hàng truyền thống như giầy dép, dệt may, đồ gỗ, đồ nội thất, thiết bị dân dụng. Hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: giày dép, dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thuỷ sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; hàng mây tre đan… Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang Pháp ghi nhận mức tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,1 tỷ USD.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Pháp vào Việt Nam năm 2021 đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng nhẹ 5,3% so với năm 2020. Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm nguyên liệu làm thuốc, dược phẩm, động cơ hàng không, hóa chất, nhôm tấm, máy móc thiết bị đo lường… Trong 4 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Pháp vào Việt Nam ghi nhận giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức 450 triệu USD.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp cho biết, những thay đổi trong kinh tế xã hội và dân số đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông sản và thực phẩm tại Pháp. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội xuất khẩu những sản phẩm này như hàng thủy sản, rau quả, bánh kẹo và ngũ cốc.
Đối với mặt hàng thủy sản và thực phẩm, người tiêu dùng Pháp mong muốn những loại thực phẩm mang tính sáng tạo, đổi mới. Họ thích những món ăn truyền thống của các nước với chủ đề và mùi vị đặc trưng.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và đồ gia dụng tại Pháp sẽ tiếp tục tăng. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như hàng may mặc, giày thể thao, gạo, cà phê, hồ tiêu và thủy sản bắt đầu được người tiêu dùng Pháp; trong đó có đông đảo người Việt Nam và các cộng động gốc châu Á tín nhiệm và ưa chuộng. Các nhóm sản phẩm này có sức cạnh tranh đang lên trên thị trường Pháp và trong những năm tới có thể gia tăng thị phần.
Tuy nhiên, một số loại thủy sản đang trong tầm ngắm của các cơ quan chuyên trách về phòng vệ thương mại, an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật của Pháp và EU. Các doanh nghiệp thủy sản cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và cẩn trọng về điều kiện thanh toán trong hợp đồng xuất khẩu, tránh tổn thất.
Ngoài hàng tiêu dùng thiết yếu bình dân, thị trường Pháp cũng có nhu cầu đáng kể hàng tiêu dùng cao cấp dành cho tầng lớp dân cư có thu nhập cao và khách du lịch. Nhóm khách hàng này có số lượng ít hơn người tiêu dùng thu nhập thấp và trung bình nhưng sức mua rất lớn, nên có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có khả năng sản xuất sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao.
Một phân khúc thị trường khác doanh nghiệp có thể khai thác là xu hướng tiêu dùng chuyển dần sang các sản phẩm hữu cơ. Mặc dù không phải là một xu hướng mới, tuy nhiên người Pháp ngày càng quan tâm đến các vấn đề về môi trường và sức khỏe, vì vậy họ hướng tới sản phẩm nông sản và thực phẩm sạch, hữu cơ. Do đó, mặt hàng nông, thuỷ sản có chứng nhận hữu cơ sẽ có cơ hội gia tăng thị phần tại đây.
Bà Lê Vân Thanh Trà, Phụ trách phát triển kinh doanh và quản lý đối tác Source of Asia (SOA) chia sẻ, nhìn chung, môi trường thương mại tại Pháp thuận lợi trong việc kinh doanh hàng hóa và dịch vụ. Tiếp thị sản phẩm và dịch vụ ở Pháp cũng tương tự như phương pháp tiếp cận tại các thị trường khác, mặc dù có một số khác biệt đáng kể về yếu tố văn hóa, quy định và những hạn chế pháp lý. Cạnh tranh có thể khốc liệt nhưng đối tác địa phương có sẵn và dễ dàng thực hiện hầu hết các lĩnh vực và dòng sản phẩm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá năng lực của mình trước khi tiếp cận thị trường mới sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; không phải cứ quy mô dân số đông sẽ tiêu thụ được nhiều sản phẩm mà còn phụ thuộc vào thị hiếu, nhu cầu, các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn… Một trong những phương án mở rộng thị trường hiệu quả là liên kết với các đối tác am hiểu thông tin và có mối quan hệ tin cậy tại thị trường đó. Các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ văn hóa kinh doanh tại thị trường Pháp đặc biệt là vấn đề giao tiếp và hẹp gặp trong kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm kinh doanh với thị trường Pháp thông tin thêm, Pháp luôn mở rộng cửa và hoan nghênh các nhà đầu tư lẫn kinh doanh nước ngoài thâm nhập thị trường nhằm phát triển nền kinh tế Pháp hơn nữa. Các công ty của Pháp quan tâm đến sự hợp tác lâu dài. Vì vậy, một khi đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác thì cần phải nuôi dưỡng và duy trì quan hệ đó vì điều đó sẽ đảm bảo cho sự hợp tác được tiếp tục.