Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Cơ hội đưa hàng vào thị trường Malaysia do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Cơ quan Đầu tư Bang Selagor (Malaysia) tổ chức sáng 22/5 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Malaysia liên tục tăng trưởng trong nhiều năm. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Malaysia và nước này cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khu vực trong khu vực ASEAN.
Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Malaysia năm 2018 đạt gần 11,5 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia các sản phẩm như: máy tính, hàng điện tử và linh kiện, điện thoại, sắt thép các loại, sản phẩm thủy tinh, phương tiện vận tải, hàng dệt may, gỗ và các sản phẩm đồ gỗ. Ngược lại Malaysia xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là xăng dầu, sản phẩm linh kiện điện tử, chất dẻo, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may…
Các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá, Malaysia là thị trường xuất khẩu còn nhiều tiềm năng có thể khai thác và ngược lại ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Malaysia đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Đến cuối 2018, Malaysia có 586 dự án còn hiệu lực và là nhà đầu tư lớn thứ 8 trong tổng số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt gần 12,5 tỷ USD.
Ông Faizal Izany Mastor, Tham tán Thương mại Malaysia tại Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Việt Nam và Malaysia là những đối tác thương mại quan trọng của nhau trong khu vực ASEAN. Thế nhưng, kết quả hợp tác kinh tế vẫn chưa tương xứng với lợi thế mà hai quốc gia đang có. Đặc biệt, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Malaysia còn Việt Nam đang thâm hụt thương mại hơn 3,4 tỷ USD.
Để hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Malaysia đạt 15 tỷ USD vào năm 2020, hai nước cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hợp tác trong việc giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của nhau. Theo đó, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, trong khi đây là những mặt hàng mà Malaysia đang có nhu cầu lớn.
Ông Zukarnine Shaz Zainal Abidin, Đại diện Halal Internationl Selagor cho rằng, một trong những lĩnh vực mà Việt Nam và Malaysia có thể đẩy mạnh hợp tác đó là phát triển ngành công nghiệp Halal, bao gồm cả ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống theo tiêu chuẩn của người Hồi giáo.
Dự kiến đến năm 2030, quy mô của ngành công nghiệp Halal toàn cầu có giá trị lên tới 30,6 nghìn tỷ USD, riêng khu vực châu Á –Thái Bình Dương là 1.100 tỷ USD; trong đó, Malaysia là 228,5 tỷ USD. Những sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam (trừ thịt lợn) cơ bản có thể đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo. Khi sản phẩm Việt Nam đạt được chứng nhận Halal thì không chỉ có thể xuất khẩu vào Malaysia mà còn có cơ hội tiệp cận tới thị trường Hồi giao toàn cầu với quy mô dân số dự kiến đạt 2,7 tỷ người vào năm 2020.
Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Malaysia thì các doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu về thị hiếu, văn hóa bản địa của người tiêu dùng Malaysia. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên đầu tư phát triển các kỹ năng marketing, xuất khẩu của mình phù hợp với hoạt động thương mại quốc tế.
Ông Dato’Teng Chang Kim, Hội đồng thành viên điều hành Bang Selagor phân tích, cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và Malaysia là rất nhiều bởi hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau. Trong khi Việt Nam có khả năng sản xuất rất tốt thì Malaysia có lợi thế phát triển các dịch vụ hỗ trợ dịch vụ xuất nhập khẩu, marketing, phân phối sản phẩm.
Đặc biệt, Malaysia có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ kho vận chất lượng tốt mà chi phí lại rẻ. Tại Bang Selagor còn có cảng biển lớn thứ 2 Đông Nam Á và chi phí dịch vụ ở đây rẻ hơn rất nhiều so với các cảng biển khác trong khu vực. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể phối hợp với các doanh nghiệp dịch vụ của Malaysia để đẩy mạnh việc phân phối hàng hóa ra thị trường khu vực.
Theo ông Dato’Teng Chang Kim, Selagor là một trong những trung tâm kinh tế sôi động của Malaysia, nơi tổ chức những hội chợ, triển lãm thương mại và các hội nghị kinh doanh tầm cỡ khu vực, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua hàng khắp nơi trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam nên đến tận nơi để tìm hiểu thị trường và tiếp cận với các đối tác tiềm năng, không chỉ để thiết lập quan hệ hợp tác với khách hàng Malaysia mà còn là cơ hội để mở rộng xuất khẩu ra các khác trong khu vực và thế giới.