Theo đó, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được ghi nhận lần đầu tại Bình Phước vào ngày 29/6/2021. Đến nay đã có 46 xã thuộc 10 huyện, thị xã ghi nhận có đàn bò mắc bệnh gồm: huyện Bù Đốp, Hớn Quản, Lộc Ninh, Chơn Thành, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú; thị xã Phước Long và Bình Long.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, tổng số bò bị mắc bệnh đến thời điểm hiện nay là 442 con; trong đó, bò mắc bệnh chết và tiêu hủy 37 con bò.
Trước diễn biến bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lây lan trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Phước khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi các triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, không để nước tù đọng, phân rác ô nhiễm để côn trùng không có cơ hội sinh sản; chỉ mua gia súc giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh từ các cơ sở uy tín.
“Do bệnh viêm da nổi cục chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có tiêm phòng vaccine tạo miễn dịch chủ động là hiệu quả nhất, vì vậy, người chăn nuôi chủ động mua vaccine định kỳ tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục và các loại vaccine khác để có miễn dịch chủ động cho đàn gia súc”, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Phước khuyến cáo.
Người chăn nuôi cũng thực hiện tốt “5 không” gồm không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển trâu, bò bệnh, trâu, bò chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh, trâu, bò chết; không vứt xác trâu, bò ra ngoài môi trường; không chăn thả rông trâu, bò bị bệnh chung trên đồng cỏ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Phước, từ đầu năm đến nay đơn vị đã đã cấp 43.500 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và hơn 32.000 liều vaccine phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu, bò để người dân tiêm phòng ngừa bệnh cho đàn gia súc.
Thống kê cho thấy, hiện nay đàn trâu trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 13.400 con, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 2.500 con. Đàn bò có khoảng 39.000 con, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 9.500 con.