Chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đối phó với hạn hán này song nhiều hồ đập đã cạn. Nếu không có mưa trong khoảng 10 ngày tới thì nguy có mất trắng những diện tích sản xuất nông nghiệp là rất cao và người dân sẽ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Huyện Quảng Trạch là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng hạn hán. Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch cho biết, theo kế hoạch vụ Hè Thu huyện sẽ gieo trồng 3.400 ha, nhưng các địa phương chỉ gieo trồng được 2/3 diện tích. Nguyên nhân là do hạn hán, nguồn nước phục vụ tưới tiêu thiếu.
Đến thời điểm này, các xã như: Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Tiến đã có hơn 450 ha ruộng lúa thiếu nước. Tuyến Kênh Kịa dài hơn 15 km có nhiệm vụ tiêu lũ và tích nước phục vụ gieo cấy Hè Thu cho các địa phương trong huyện Quảng Trạch đã cạn khô nên không thể cứu hạn cho đồng ruộng.
Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, trước tình hình hạn hán xảy ra trên địa bàn huyện khiến hàng trăm hecta lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các lực lượng bố trí 14 trạm bơm từ các hồ, đập để cứu lúa. Tuy nhiên, với việc các hồ đập đang cạn dần và thời tiết nắng nóng nên có thể nhiều diện tích lá sẽ bị mất trắng nếu không có mưa.
Từ cuối năm 2018, lượng mưa không đủ để các hồ đập tích nước. Đầu năm đến nay, mưa ít và nắng nóng lên đến 40 độ kéo dài khiến người dân ở các địa phương căng mình chống chọi hạn hán. Với việc dự đoán không có nước tưới tiêu cho người dân trồng lúa nên huyện Quảng Ninh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hơn 15ha sang cây hoa màu. Tuy nhiên, cánh đồng lúa chuyển đổi sang trồng rau, dưa…do không có nước tưới nên khô cháy. Những vạt rau thiếu nước úa vàng, ngọn héo rũ dưới cái nắng, mất trắng, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 3/17 hồ chứa thuộc đơn vị quản lý đạt dung tích thiết kế là hồ Vực Tròn, hồ Sông Thai, hồ Thanh Sơn, 14 hồ còn lại dung tích chỉ đạt từ 40-50%..
Trong thời tiết bình thường, qua cân đối, lượng nước đủ đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu 2019 dự kiến không phục vụ được trên 2.630 ha. Đến thời điểm tháng 6/2019, do thời tiết nắng nóng, khô hạn nên có nhiều hồ đập mực nước đã xuống mức thấp nhất, không thể phục vụ tưới tiêu.
Từ đầu vụ Hè Thu đến nay, Công ty đã triển khai việc chống hạn khẩn trương và gấp rút cho các diện tích lúa có nguy cơ hạn hán. Tại các huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Bình, công ty đã triển khai 7 cụm bơm (12 máy bơm) dã chiến để đưa nước rào nhỏ vào hệ thống kênh chính dẫn về ruộng để phục vụ tưới tiêu cho ruồng đồng.
Ông Nguyễn Viết Sỹ, Trưởng chi nhánh thủy nông huyện Bố Trạch cho biết, trước tình hình bất lợi này, đơn vị đã thống nhất với UBND huyện, các địa phương để thống nhất kế hoạch cho chống hạn. Chi nhánh quản lý có 5 hồ, do lượng mưa năm nay đạt 1/3 so với bình thường mọi năm nên dung tích nước các hồ chỉ đạt 20%. Vì vậy, lượng nước không đủ tưới tiêu cho ba xã Bắc Trạch, Hạ Trạch và Mỹ Trạch. Chi nhánh đang khai thác các luồng lạch, ao hồ để tận dụng lượng nước tại chỗ, bơm chống hạn.
Trước tình hình hạn hán xảy ra trên diện rộng ở Quảng Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành tăng cường các giải pháp tích trữ nước chống hạn, xâm nhập mặn; dùng các cụm bơm dã chiến, tận dụng nước của ao hồ, sông suối tự nhiên để bơm tưới; có biện pháp điều tiết nước cho từng đợt tưới, đảm bảo hiệu quả.
Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, Sở tham mưu cho UBND tỉnh đã làm báo cáo gửi ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin kinh phí hỗ trợ chống hạn, nhằm giảm thiểu tối đa tác động của hạn hán, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp…