Từ lâu, mật mía Tân Hương, huyện Tân Kỳ nổi tiếng thơm ngon và được người tiêu dùng trong Nam ngoài Bắc tin dùng. Mùa nấu mật mía thường bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến tháng 2 hàng năm. Năm nay, thời tiết thuận lợi hơn nên mía được mùa, chất lượng tốt nên cho ra được những mẻ mật ngọt, đậm thơm sánh vàng.
Ông Nguyễn Xuân Đức, xóm Châu Nam là một trong những hộ sản xuất lớn nhất và là tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất mật mía Tân Hương. Hiện, để chuẩn bị lượng hàng Tết phục vụ nhu cầu thị trường, gia đình ông Đức dự kiến thu mua hàng chục tấn mía. Do diện tích trồng mía nguyên liệu của bà con trên địa bàn giảm hơn các năm trước, nên dự kiến năm nay giá mật mía sẽ cao hơn.
“Hiện tại mật mía Tân Hương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, để nâng hạng cho sản phẩm chúng tôi đang nỗ lực cải tiến quy trình nấu, đầu tư bộ dụng cụ đựng nguyên liệu, thay đổi mẫu mã sản phẩm bắt mắt hơn đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Nguyễn Xuân Đức cho biết.
Xã Tân Hương hiện có hơn 30 gia đình làm nghề truyền thống nấu mật mía, sản xuất hàng nghìn lít mật mía chất lượng mỗi năm để bán ra thị trường và được khách hàng gần xa ưa chuộng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân, tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 lao động dôi dư/mỗi gia đình, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương.
“Để phát huy sản phẩm mật mía, huyện Tân Kỳ tiếp tục chỉ đạo bà con duy trì diện tích trồng mía nguyên liệu cung cấp cho làng nghề nấu mật, đồng thời mở rộng thị trường để giúp người dân Tân Hương ổn định được nghề mật mía, góp phần vào nâng cao đời sống cho bà con nhân”, ông Nguyễn Công Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết.
Từ năm 2009, làng nghề bánh kẹo Vĩnh Đức, huyện Đô Lương đã được công nhận làng nghề. Từ đó đến nay, làng nghề vẫn tiếp tục người dân ở thị trấn Đô Lương gìn giữ và phát triển. Hơn thế, quy mô của làng nghề ngày một mở rộng và hiện thu hút hàng trăm lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập ổn định.
Tại làng nghề Vĩnh Đức, hiện tại người dân không còn sản xuất nhỏ lẻ trong một gia đình mà tập trung trên 30 hộ cùng sản xuất và kinh doanh. Gần đến tết, làng nghề rộn ràng và bận bịu hơn. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, toàn bộ khu vực sân phơi rộng hàng trăm m2 được bà con tận dụng để phơi bánh tráng, bánh khô để làm nguyên liệu phục vụ hàng tết.
Gần đây, sản phẩm bánh kẹo của xã Vĩnh Đức ngày càng được nhiều người dân biết đến và nhu cầu tiêu thụ rất lớn, đặc biệt là những dịp giáp Tết Nguyên đán. Vì thế, làng nghề đang tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân trên địa phương và mỗi một năm tạo ra giá trị hàng hóa hàng chục tỷ đồng.
Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương cho biết thêm: “Trong năm 2021, làng nghề đang nỗ lực xây dựng sản phẩm bánh đa, kẹo lạc thành sản phẩm OCOP tạo cơ hội phát triển làng nghề rộng mở hơn và vào được các siêu thị uy tín”. Thời điểm này, làng nghề sản xuất bánh cà làng Nam, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên trở nên nhộn nhịp hơn. Từ những nguyên liệu sẵn có, người dân nơi đây tạo ra sản phẩm chất lượng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Gia đình chị Phạm Thị Hằng là một trong những hộ gia đình làm nghề bánh cà lâu năm tại làng Nam, xã Hưng Tân. Thay vì sản xuất thủ công truyền thống, năm nay gia đình đầu tư hơn 7 triệu đồng để trang bị máy làm bánh và giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Sản phẩm bánh cà của gia đình từ lâu được người tiêu dùng trong và tỉnh biết đến bởi hương vị thơm ngon. Chỉ tính riêng từ tháng 8 tới nay, gia đình đã cung cấp ra thị trường hơn 1,3 tấn bánh cà, sau khi trừ chi phí cho lãi ròng 50 triệu đồng.
Để làm ra mẻ bánh cà đạt tiêu chuẩn, người làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn công phu tỉ mỉ. Bánh cà được làm từ các nguyên liệu chính là bột nếp, trứng gà và đường cát trắng cùng gừng tươi để tạo nên hương vị đặc trưng riêng vừa giòn tan, thơm ngon. Đặc biệt bột phải được nhồi kỹ đến độ mềm mịn dẻo, cho vào vắt và vo tròn, rồi rán đến độ vàng tươi. Tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng, người làm bánh có thể điều chỉnh độ ngọt và thêm các nguyên liệu khác. Để tạo ra sản phẩm bánh đạt tiêu chuẩn, người làm bánh phải tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nghề làm bánh cà đã có từ lâu, ban đầu chỉ làm để đãi khách vào dịp tết, dần dần do thị hiếu người tiêu dùng nên sản xuất quanh năm. Đến nay làng Nam xã Hưng Tân có gần 70 hộ sản xuất bánh cà quanh năm, chiếm gần 56% số hộ trong làng. Bánh cà Hưng Tân không chỉ được người dân trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh thành trong cả nước. Việc phát triển làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Hưng Tân cho biết: “Nếp Thái và trứng gà đều là nguyên liệu do người dân tự trồng và nuôi. Tất cả các hộ làm nghề đều cam kết sản xuất theo quy trình của làng nghề đề ra, không để hộ nào vi phạm làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng Để thương hiệu của làng nghề bánh cà Hưng Tân vươn xa, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền quảng bá thương hiệu”.
Xuất phát là nghề làm khi nông nhàn nhưng đến nay nghề làm bánh cà hay nấu mật mía, làm bánh kẹo đã mang lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây cũng là giải pháp giải quyết thời gian nhàn rỗi, tân dụng sức lao động và nguyên liệu sẵn có của địa phương góp phần nâng cao đời sống người dân, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn. Với mục tiêu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là cơ sở để các làng nghề mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến các khâu sản xuất, chế biến nhằm nâng sản lượng và nâng giá trị sản phẩm của các làng nghề.