42 năm sau ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh đạt được những thành tựu to lớn, từng bước khẳng định vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của cả nước.
Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN |
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã quyết nghị “Chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là sự ghi nhận xứng đáng và cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước dành cho Đảng bộ và nhân dân thành phố “đi trước về sau” này.
Trong 42 năm năm qua, đặc biệt là trong 30 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 2016), TP Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho cả nước trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Kinh tế luôn duy trì ở mức cao
Đảng bộ thành phố đã quán triệt, vận dụng, thực hiện sáng tạo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, bám sát thực tiễn, luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thể nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường. Kinh tế thành phố luôn tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục, giai đoạn 1991 - 2010, thành phố là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, thành phố đạt mức tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước; Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 8,05 %; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến năm 2016, tỷ trọng dịch vụ đã chiếm 54,8% trong GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 28,76%, khu vực nông nghiệp chỉ còn 0,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 15,6% và đang phát triển theo hướng hình thành một nền nông nghiệp đô thị sinh thái.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh luôn là một trong địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2016, thành phố thu hút được 3,7 tỷ USD, nâng số vốn FDI đầu tư vào thành phố lên xấp xỉ 41 tỷ USD, với 6.485 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Năm 2016, khu vực FDI đóng góp 23,8% trong tổng số GDP của thành phố, góp phần quan trọng trong việc dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành kinh tế theo hướng tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tạo ra công ăn việc làm với 22,5% tổng lực lượng lao động của thành phố và nâng cao trình độ lao động trong nước thông qua việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới...
GDP bình quân đầu người liên tục tăng nhanh, nếu như giai đoạn 1995 - 1996 chỉ đạt 712 USD; thì đến năm 2016 đã là 5.428 USD.
Có thể thấy, với vai trò là trung tâm thương mại - công nghiệp, TP Hồ Chí Minh chính là cửa ngõ tiền tiêu, “chìa khóa” để mở cửa vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú, là cầu nối giữa vùng Nam Bộ với vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. TP Hồ Chí Minh cũng đóng vai trò là hạt nhân, là “trục” có khả năng xoay chuyển, định hướng và dẫn dắt sự phát triển của toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó tạo ra sự phát triển lan tỏa khắp khu vực Nam Bộ, tạo đà phát triển cho cả nước.
Làm tốt công tác quy hoạch
Từ nhiều năm trước, thành phố đã tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các trục xuyên tâm, trục Bắc - Nam, đường vành đai, các tuyến metro và đường trên cao. Các khu đô thị mới như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc… được đầu tư xây dựng trên những vùng đầm lầy kênh rạch xưa, nay trở thành những đô thị kiểu mẫu.
Hàng trăm cây cầu và hàng nghìn km đường giao thông được đưa vào khai thác hiệu quả. Điển hình như các dự án: Đại lộ Nguyễn Văn Linh; Đại lộ Đông Tây... Các loại dịch vụ đô thị như: điện, nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải cũng được quan tâm đầu tư.
Có thể nói, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã giúp thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, thành đô thị đặc biệt có sức hội tụ và lan tỏa lớn của vùng và cả nước, ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.
Đi đầu trong cả nước về giáo dục, y tế và giảm nghèo
Cùng với thành quả phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực của thành phố cũng có bước tiến tích cực. Trong đó, ngành giáo dục và đào tạo từ năm học 2005 - 2006 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao với 21/21 chỉ tiêu xuất sắc. Mạng lưới trường, lớp ở các ngành học, bậc học đã được phủ khắp 322 phường, xã, thị trấn, 24 quận - huyện với quy mô tăng theo các năm. Tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh thành phố ở tốp đầu của cả nước. Thành phố là địa phương đi đầu trong cả nước về phổ cập giáo dục, đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học.
Mạng lưới y tế thành phổ không ngừng phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm. Ngành y tế thành phố luôn chú trọng phát triển chuyên khoa sâu, áp dụng kỹ thuật mới trong khám và điều trị, là trung tâm của cả nước và trong khu vực về nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật cao trong thăm khám và điều trị bệnh.
An sinh xã hội luôn được đảm bảo. Điểm nổi bật và thành công của thành phố trong 42 năm sau ngày giải phóng là đi đầu cả nước về xóa đói giảm nghèo. Đến tháng 6-2016, tỷ lệ hộ nghèo thành phố còn 3,3%.
Thành phố cũng là nơi khởi xướng, thực hiện tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo; chăm lo cho công nhân, người lao động...
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ nét. Đến nay thành phố đã có 54/56 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới…
Có thể thấy, sau 42 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển ngoạn mục. Không chỉ có những tòa nhà chọc trời, những đại lộ thênh thang, những công trình kiến trúc mang tầm thế kỷ… TP Hồ Chí Minh còn có cả một nền tảng đời sống, kinh tế, văn hóa vững vàng, năng động và sẵn sàng hội nhập sâu rộng với thế giới.